Cùng tham dự hội thảo có: Bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Cường - Hàm Vụ phó, Vụ Kinh tế tổng hợp - Văn phòng Chính phủ; ông Bùi Đức Tài - Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An; bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; ông Hoàng Anh Dũng - Phó trưởng phòng An ninh Kinh tế, Công an TP. Hà Nội...
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện: Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các đơn vị chức năng của NHNN Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam, Quỹ tín dụng Nhân dân, các lãnh đạo và chuyên gia của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC)...
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị trong Cơ quan Thường trực; cùng đại diện các Ủy ban, Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội; đại diện các tổ chức tín dụng hội viên,...
Là kênh dẫn vốn hiệu quả và còn nhiều tiềm năng phát triển
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, cho vay tiêu dùng và thu hồi nợ là vấn đề nóng và NHNN rất quan tâm. Thời gian qua, NHNN luôn phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, để tìm ra giải pháp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng, góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan, cần thiết của xã hội, không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân mà còn góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hẹp quy mô, sự ảnh hưởng của tín dụng đen.
Khẳng định cho vay tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN nhận định, tín dụng tiêu dùng đang giảm rất mạnh, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Từ đầu năm 2023 tới nay, do ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước, hoạt động của các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến hết tháng 9/2023 tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ở mức thấp 6,92%, trong đó tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022. Việc xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là của các công ty tài chính cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao.
Khẳng định cho vay tiêu dùng là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống).
Đồng tình với nhận định thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam rất nhiều tiềm năng, ông Nguyễn Mạnh Cường, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ cho biết, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tín dụng tiêu dùng đang từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức và tránh xa tín dụng đen. Tuy nhiên, Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp cũng khẳng định, thời gian gần đây thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn.
Để tín dụng tiêu dùng phát triển đúng với tiềm năng, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần kiện toàn văn bản chính sách phù hợp với đặc thù tài chính tiêu dùng, tạo sân chơi bình đẳng và có chính sách đi trước đón đầu; tạo điều kiện cho công ty tài chính được áp dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm theo hướng hiện đại, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, gia tăng khả năng tiếp xúc và trải nghiệm cho khách hàng. Qua đó, giảm được chi phí hoạt động.
Nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển tín dụng tiêu dùng
Dẫu rất nhiều tiềm năng nhưng sự phát triển của tài chính tiêu dùng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đi sâu phân tích về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cho vay tiêu dùng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý như: Khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý…
“Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ: Tình trạng tín dụng đen núp bóng cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen. Bên cạnh đó, việc bùng nổ của các ứng dụng (app) cho vay tiêu dùng giả danh các công ty tài chính khiến cho góc nhìn của nhiều người đối với công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó.
Đồng tình với Hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp, ông Nguyễn Hồng Quân – Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã chỉ ra 2 khó khăn chính của phát triển tài chính tiêu dùng hiện nay, đó là:
Khó khăn thứ nhất đến từ nhận thức và ý thức trả nợ của người đi vay như: Khách hàng không phân biệt được sự khác biệt giữa ngân hàng thương mại, công ty tài chính với các ứng dụng, trang tin cho vay không chính thức, nên có cách hành xử đối với khoản vay tại ngân hàng thương mại và công ty tài chính như đối với các tổ chức tín dụng đen, tín dụng phi chính thức; bùng nổ tình trạng gian lận và rủ nhau "bùng nợ" vay tiêu dùng do chưa có chế tài xử phạt; tội phạm đòi nợ thuê núp bóng các công ty luật hoặc công ty mua bán nợ.
Khó khăn thứ hai là vướng mắc trong công tác thu hồi nợ đối với khoản vay tiêu dùng khi người vay không muốn trả nợ; phương án khởi kiện không khả thi với các khoản vay tiêu dùng dư nợ nhỏ do chi phí có thể nhiều hơn số nợ có thể thu được; chưa có chế tài với khách hàng "bùng nợ", không trả được nợ; thiếu các công cụ, tổ chức trung gian thu nợ chuyên nghiệp hỗ trợ các ngân hàng và công ty tài chính.
Ở góc độ khối công ty tài chính, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, những thách thức như sự gia tăng nợ xấu và làm giả giấy tờ đang đe dọa sự ổn định tài chính của cá nhân và tác động xấu đến uy tín của các tổ chức tài chính. Tình trạng các tổ chức gian lận lợi dụng sự phát triển của công nghệ mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng xảy ra rất nhiều trên diện rộng. Các công ty tài chính, ngân hàng ngoài việc phải gồng mình để tự bảo vệ mình trước nguy cơ hình ảnh, uy tín công ty bị phá vỡ còn phải đương đầu xử lý với các tác động pháp lý liên đới.
Ở góc độ các tổ chức tín dụng, đại diện Ngân hàng Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc như: Những khó khăn chung của nền kinh tế thời kỳ hậu COVID-19, thị trường bất động sản trầm lắng, ít giao dịch ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng tài sản; một số khách hàng vay tiêu dùng tại nhiều TCTD, công ty tài chính với mức dư nợ nhỏ nên khi một khoản vay phát sinh nợ xấu thì ảnh hưởng đến phân loại nợ theo chính sách phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC); một số khách hàng vay vốn cố tình chây ỳ không trả nợ đúng hạn đã cam kết với ngân hàng, không hợp tác bàn giao tài sản để ngân hàng xử lý thu nợ dẫn đến ngân hàng phải thông qua cơ quan Tòa án để xét xử theo quy định của pháp luật, thời gian xử lý thu hồi nợ thường kéo dài...
Các giải pháp cần nhìn từ nhiều góc độ
Dự báo tình hình thời gian tới, ông Bùi Đức Tài, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho rằng, hoạt động tín dụng đen sẽ vẫn phức tạp và chưa giải quyết triệt để do nhiều nguyên nhân như: Một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen tiêu dùng, vay vốn qua tín dụng đen hoặc để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp; lợi ích bất chính từ hoạt động tín dụng đen rất cao so với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp; chế tài xử lý hành vi liên quan hoạt động tín dụng đen chưa đủ sức răn đe; nhận thức và ý thức cảnh giác của một bộ phận người dân vẫn còn chưa cao,...
Từ đó, ông Bùi Đức Tài kiến nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan. Đồng thời, ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu để xác thực, làm sạch và loại bỏ tài khoản ngân hàng “ảo”; các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, phòng chống hoạt động tín dụng đen nói riêng.
Khẳng định cho vay tiêu dùng là nhu cầu rất lớn của người dân, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho rằng, cần phải có quy định rõ ràng trong hoạt động cho vay tiêu dùng.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bao quát hơn các chủ thể trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và các vấn đề trong xử lý nợ xấu. Đồng thời, quy định cần linh hoạt hơn, thủ tục rút gọn cần hợp lý, tài sản đảm bảo cần có thỏa thuận giữa các bên. Đồng thời, các giải pháp cần nhìn từ nhiều góc độ, cả của người dân – người đi vay, tổ chức cho vay...
Đồng tình với đề xuất về khung khổ pháp lý, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, cần có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ. Cần hoàn thiện các quy định hiện hành để cân bằng lợi ích, hạn chế tranh chấp; nghiên cứu xây dựng văn bản luật về tín dụng tiêu dùng; hoàn thiện quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan; hoàn thiện quy định pháp luật doanh nghiệp; hoàn thiện pháp luật dân sự.
Từ góc độ công ty tài chính, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay. Đồng thời, xử nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ. Cùng đó, áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung.
"Nếu không có hành động cụ thể, việc bùng nợ có thể tiếp tục xảy ra và có thể tác động đến nợ xấu không những cuối năm 2023 mà còn nhiều năm sau nữa. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cả người đi vay và ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các công ty tài chính, từ đó ảnh hưởng đến khó khăn của chính khách hàng tiếp cận vốn vay do các công ty này phải siết chặt lại cho vay", ông Nguyễn Đình Đức nói thêm.
Tại hội thảo, đại điện các tổ chức tín dụng cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kiểm soát, hạn chế nợ xấu phát sinh và đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu.
Đại diện Agribank kiến nghị ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn trong quá trình tố tụng, thi hành án đối với các vụ khởi kiện, xét xử, thi hành án các vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan khoản nợ vay tiêu dùng, có tài sản bảo đảm là bất động sản; hỗ trợ áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản bất hợp pháp của khách hàng còn nợ ngân hàng phải thi hành án.
Đồng thời cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Dẫn chứng ở những nước phát triển, mỗi người dân được cấp một chữ ký số để dùng trong các giao dịch hàng ngày, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị việc này nên được áp dụng với Việt Nam.
Theo đại diện BIDV, cho vay tiêu dùng thường áp dụng đối với các khoản vay trực tuyến, đồng nghĩa với việc phải số hóa khoản vay. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử khi phải thực hiện bằng chữ ký số. Việc này có thể dẫn đến tăng chi phí và phức tạp hơn với đa số người dân. Từ đó, đại diện BIDV kiến nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD được sử dụng phương thức xác thực như: Tin nhắn OTP, eKYC trong cho vay qua các phương tiện điện tử, không yêu cầu chữ ký số.
Với các khoản vay nhỏ lẻ dưới 100 triệu đồng được thực hiện trên kênh số (online), đại diện BIDV kiến nghị không quy định bắt buộc các TCTD phải thực hiện kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay.
Ngoài ra, đại diện BIDV cũng kiến nghị được bán nợ hoặc ủy thác hay thuê công ty thu hồi nợ chuyên nghiệp trong công tác thu hồi nợ.
Từ những kinh nghiệm quốc tế về cho vay tiêu dùng và những giải pháp được các nước trên thế giới đang áp dụng với người vay có nợ xấu, ông Kian Foh Then - Tổng Giám đốc điều hành Collectius (Asia) đã chỉ ra cách thức thu hồi nợ để các tổ chức tín dụng và công ty tài chính tại Việt Nam có thêm góc nhìn tham khảo. Cụ thể, Collectius thu hồi hồi nợ bằng cách ứng dụng những giải pháp kỹ thuật tốt nhất để tạo nên trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Collectius cũng kết hợp với quy trình đối thoại cởi mở, lắng nghe nhu cầu của khách hàng để tìm được kế hoạch thanh toán hợp lý và thực tế, hỗ trợ mỗi người dân thoát khỏi nợ nần.
Theo ông Kian Foh Then, các nước trên thế giới cũng áp dụng những mục riêng biệt trong quy tắc và quy định về đòi nợ. Các nước cũng có thông lệ riêng về tự giám sát/điều chỉnh và thuê ngoài như Singapore, Malaysia và Thái Lan đã xây dựng chính sách thuê ngoài để các định chế tài chính tuân thủ khi thuê ngoài hoạt động thu hồi nợ. Các nước cũng đưa ra nhiều hình phạt cho việc không tuân thủ của bên thu hồi nợ ngoài. Có thể tham khảo chính sách thuê ngoài của cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS).
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá đây là vấn đề rất nóng, nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành. Đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các ngân hàng, công ty tài chính... đã nêu rõ thực trạng, khó khăn, vướng mắc của hoạt động cho vay tiêu dùng.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tham khảo thông tin từ các bài tham luận, các ý kiến tại hội thảo để có báo cáo lên Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành liên quan, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; tạo điều kiện cho người dân nâng cao đời sống, hạn chế tín dụng đen.
Quỳnh Lê - Minh Đức
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|