Phản hồi của Công ty tài chính về quy định cho vay tiêu dùng Công ty tài chính: Nợ xấu tăng mạnh, vốn thừa không thể đầu tư |
Tại Hội thảo Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 18/10, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới. Thực tế này cũng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.
Tình trạng mập mờ “công ty tài chính”
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc. Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021. Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng.
Theo ông Đào Minh Tú, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Mặc dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, nhưng hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.
Trên thực tế có tình trạng một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Thông tin về vấn đề này, ông Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Cùng với đó, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Cảnh giác với app tín dụng đen |
"Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước” - ông Đỗ Minh Phương cho hay.
Nêu thực trạng các công ty tài chính bị hiểu nhầm là tín dụng đen đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc FE Credit cho biết, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.
Ông Nguyễn Thành Phúc chia sẻ, nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo, do đó, công ty đang rất loay hoay để giải quyết bài toán này.
Hạn chế “tín dụng đen”
Đáng chú ý, hoạt động tài chính tiêu dùng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và của Ngân hàng Nhà nước. Tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen”.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã coi việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tài chính tiêu dùng. Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
“Thời gian qua, hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả và thị phần trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam” - ông Đào Minh Tú cho hay.
Hội thảo “Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” |
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, thời gian tới, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát Hình sự đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch, tập trung vào các đối tượng hình sự hoạt động tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay qua App, website để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Ông Đỗ Minh Phương cho biết, thời gian tới, để tăng cường các biện pháp đẩy lùi “tín dụng đen,” các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương với hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động... gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể. Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19.
Liên quan đến gói tín dụng 20.000 tỷ đồng có lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động bằng 50% lãi suất cho vay thông thường của Công ty tài chính tiêu dùng HD Saison, FE Credit và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh đây là gói hỗ trợ có tính chất vừa là thử nghiệm, vừa là triển khai thí điểm để tạo tiền đề nhân rộng mô hình này nếu có hiệu quả.
Trong 6 tháng tới, nếu gói hỗ trợ này cho kết quả tốt, toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng cũng có thể triển khai theo mô hình trên. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định có sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rủi ro sẽ giảm đi, lãi suất cũng thấp hơn và gói tín dụng này sẽ phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Bất kỳ tổ chức nào không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Luật Các tổ chức tín dụng. |
Nhật Khôi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|