Giải pháp nào gia tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa cuối năm 2024?

(Banker.vn) Tăng lương từ ngày 1/7/2024; giảm thuế VAT xuống 8% đến hết năm 2024... là những yếu tố giúp gia tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cuối năm.
Điểm tên 8 địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao Hà Nội: Tăng tốc, kích cầu, đẩy tổng mức bán lẻ đạt mức cao nhất

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm giảm nhẹ

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2024 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%). Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).

Con số tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa đầu năm 2024 phản ánh cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm nay có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn thấp. Điều này cũng cho thấy những khó khăn của người tiêu dùng khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế.

Giải pháp nào gia tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nửa cuối năm 2024?
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, mức suy giảm của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2023 do thu nhập của người lao động, cũng là người tiêu dùng còn thấp khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 119.612 doanh nghiệp gia nhập thị trường và 110.316 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm cả nước có 19.935 doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 18.386 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vẫn có nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, dẫn đến sức mua chưa cao.

Bên cạnh đó, thị trường hàng hoá những tháng đầu năm tương đối dồi dào, giá cả ổn định, song các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng hoá vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Điều này khiến sản phẩm chưa rộng mở đầu ra, chưa tiếp cận được tốt nhất với người tiêu dùng” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Giải pháp nào để tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng?

Đánh giá về tình hình thị trường nội địa 6 tháng cuối năm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, dư địa để tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là khá nhiều khi tiền lương cơ sở sẽ tăng thêm 30%; lương cho người nghỉ hưu tăng 15%. Đợt cải cách tiền lương này được rất nhiều công chức, viên chức, người nghỉ hưu trông chờ. Đồng thời, cũng là cơ sở để kỳ vọng sức mua trên thị trường sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2024/NÐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, chính thức giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ ngày 1/7 đến 31/12/2024. Doanh nghiệp cũng được giãn, giảm thuế, là điều kiện để giảm giá thành và cải thiện lương cho người lao động.

Ngoài ra, thời điểm cuối năm thường diễn ra nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Việc hàng hoá được đưa ra thị trường cùng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sẽ là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng cơ hội đưa hàng hoá ra thị trường, tăng cường sức mua.

Các yếu tố kể trên là cơ hội để tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có khả năng sẽ đạt mục tiêu 9% như Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng lương sẽ dễ đi kèm với việc tăng giá hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng thiết yếu. Do đó, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, rà soát việc găm hàng, tăng giá vô lý, ảnh hưởng đến việc mua sắm của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ. Ổn định nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, kết hợp đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các chương trình kết nối cung, cầu trên nền tảng số, thương mại điện tử.

“Ngoài ra, cần sự phối hợp giữa ngành Công Thương, ngành du lịch để thúc đẩy hoạt động du lịch và thương mại cùng phát triển, tận dụng tốt lượng khách du lịch đến Việt Nam nhằm tăng sức mua trong những tháng cuối năm” – ông Vũ Vinh Phú nêu rõ.

Nhấn mạnh tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước chiếm trên 70% GDP của nền kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, tạo cơ sở tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống cho người tiêu dùng.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương