Giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia

(Banker.vn) Hội thảo “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro” do Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sáng ngày 25/8/2023 với sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng...
Hội thảo “Nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro” do Tạp chí Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sáng ngày 25/8/2023 với sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, cùng tham dự có các đại biểu đại diện lãnh đạo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), Vụ Pháp chế NHNN, các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các hiệp hội, tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư,  tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân…
 

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận

Sau các nội dung tham luận tại Hội thảo, phiên thảo luận được diễn ra với sự tham gia của 05 diễn giả: Ông Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC; ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN; bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); ông Motokatsu Ban - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng Mizuho tại Hà Nội và bà Phạm Thị Thanh Huyền - Cán bộ Quản lí chương trình phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam và Campuchia, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CIC điều phối phiên thảo luận.

Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CIC, hoạt động thông tin tín dụng đã được thành lập và phát triển ở Việt Nam hơn 30 năm và thực sự phát triển vượt trội trong hơn 10 năm gần đây, thực hiện vai trò cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lí nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động kinh doanh, quản lí rủi ro của các TCTD, góp phần vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Để đạt được điều đó, khuôn khổ pháp lí cho hoạt động thông tin tín dụng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong những năm qua, Ban Lãnh đạo NHNN luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển hoạt động này.

Phiên thảo luận Hội thảo dựa trên cơ sở những góc nhìn khác nhau, cũng như các kiến nghị, đề xuất của các diễn giả để đưa ra những giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng của cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.

Những cơ hội và thách thức

Theo ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN, khuôn khổ pháp lí của Việt Nam đối với hoạt động thông tin tín dụng quốc gia hiện nay tương đối hoàn thiện, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng rõ nét của công nghệ cũng như sự vận hành của nền kinh tế mở, việc xây dựng hệ thống thông tin tín dụng quốc gia sẽ có nhiều cơ hội và thách thức.

Cụ thể, ông Tạ Quang Đôn đánh giá, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam có thể được nhìn nhận theo hai cấp độ khác nhau: Quan hệ giữa khách hàng và TCTD; quan hệ chia sẻ cung cấp thông tin tín dụng giữa TCTD và CIC. Luật NHNN chỉ quy định nhiệm vụ của NHNN về tổ chức thu nhận, sử dụng, lưu trữ, cung cấp và công bố thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về quyền của NHNN trong việc thu thập thông tin khách hàng vay mà không cần có sự đồng ý của khách hàng vay. Trong khi đó, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định: Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu được áp dụng đối với tất cả các hoạt động trong quy trình xử lí dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP cũng quy định, trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu khi việc xử lí dữ liệu cá nhân phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo pháp luật chuyên ngành.

Thông tư số 03/2013/TT-NHNN cũng có quy định các đối tượng cung cấp thông tin tín dụng bao gồm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tự nguyện với các nhóm thông tin bao gồm thông tin nhận dạng, thông tin hợp đồng tín dụng, thông tin quan hệ tín dụng, thông tin tình trạng tài khoản thẻ tín dụng, thông tin bảo đảm tiền vay, thông tin tài chính năm của khách hàng vay và thông tin đầu tư trái phiếu vào khách hàng vay là doanh nghiệp…

Theo ông Tạ Qung Đôn, vấn đề này dường như chưa được xử lí cụ thể, nếu chỉ dựa vào các quy định liên quan đến tổ chức tham gia tự nguyện tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN do trường thông tin thu thập còn chưa đa dạng, chưa phản ánh thông tin phi tài chính; đồng thời việc sử dụng thông tin tín dụng của nhóm đối tượng phi tài chính cần có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng (theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN) có thể làm giảm động lực của việc tham gia cung cấp và khai thác thông tin tín dụng. Do vậy, các cơ quan quản lí cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện khuôn khổ pháp lí để có thể khai thác triệt để những lợi ích, sáng tạo của công nghệ mà vẫn bảo đảm tối đa quyền lợi hợp pháp của khách hàng, duy trì sự an toàn hệ thống thông tin tín dụng, nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện, chính xác, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn tín dụng phù hợp với năng lực tài chính của mình, giảm thiểu tối đa việc phát sinh nợ không có khả năng thanh toán.

Ông Tạ Quang Đôn cũng cho biết, trong dự thảo Luật Các TCTD cũng đã được bổ sung thêm một điều khoản quy định quan trọng đối với việc cung cấp xử lí dữ liệu cá nhân, các hoạt động xử lí dữ liệu cá nhân phục vụ cho hoạt động của các TCTD, cũng như cung cấp cho CIC hay các đơn vị thông tin tín dụng không cần có sự đồng ý của khách hàng.

Chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong việc nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc CIC cho rằng, có 5 cơ hội, có thể kể đến như sau: Thứ nhất, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển về công nghệ, các giải pháp mới về công nghệ thông tin, công nghệ số, qua đó có rất nhiều giải pháp mới giúp cho việc cải thiện việc thu thập xử lí dữ liệu, ví dụ các giải pháp về trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn có thể thu thập các thông tin một cách đầy đủ, chính xác, nhanh chóng hơn so với trước đây. Thứ hai, chủ trương, tinh thần quyết liệt của Bộ Chính trị, Chính phủ và đặc biệt là NHNN trong việc chuyển đổi số. Nhận thức của các cơ quan quản lí cũng như người dân xác định dữ liệu là một tài sản có thể mang lại giá trị lớn hơn trong tương lai. Đây sẽ là động lực lớn trong việc thúc đẩy xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Khi có các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì sự kết nối liên thông giữa các dữ liệu giúp cho không chỉ các ngành thực hiện được việc quản lí của mình mà toàn xã hội, bao gồm: người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lí nhà nước đều được hưởng lợi (ví dụ, chỉ cần có căn cước công dân, chúng ta có thể liên kết nhiều loại dữ liệu như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các dịch vụ công...). Thứ ba, về cơ sở pháp lí của hoạt động thông tin tín dụng: Thời gian gần đây, chúng ta rất chú trọng đến cơ sở pháp lí, đặc biệt là sự quan tâm của Ban Lãnh đạo NHNN trong xây dựng các khung pháp lí trong hoạt động thông tin tín dụng, có sự cởi mở, không chỉ bó gọn trong hoạt động thông tin tín dụng của ngành Ngân hàng mà còn mở rộng cho CIC thu thập thêm thông tin từ các nguồn dữ liệu thay thế. Thứ tư, sự quan tâm của Ban Lãnh đạo NHNN đến hoạt động báo cáo thông tin nói chung và hoạt động thông tin tín dụng nói riêng trong thời gian gần đây cũng là một điểm mạnh, là động lực giúp cho các đơn vị trong ngành Ngân hàng nói chung, cũng như CIC nói riêng, trong việc cải tiến quy trình, thực hiện các biện pháp để nâng chất lượng cơ dữ liệu. Thứ năm, ý thức của người dân và doanh nghiệp, vấn đề bảo vệ dữ liệu: Đây là tác động tích cực cho các cơ quan thu thập, xử lí dữ liệu, qua đó nhận thức rõ hơn về vấn đề thu thập và quản lí dữ liệu, giúp cho việc đảm bảo độ chính xác, an toàn thông tin.

Về thách thức: Thứ nhất, việc chia sẻ thông tin nền tảng, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành hiện nay chưa đồng nhất. Thực tế cho thấy, qua việc khai thác thông tin của CIC với các bộ, ngành (như với Bộ Công an về Đề án 06) thì việc kết nối cũng không hoàn toàn là dễ dàng, và hiện nay, mới chỉ có CIC và một số công ty viễn thông có thể kết nối được, các TCTD chưa hoàn thành việc kết nối dữ liệu. Đối với các bộ, ngành khác thì rào cản pháp lí cũng như nền tảng công nghệ để kết nối vẫn là khó khăn còn tồn tại. Thứ hai, thách thức về an toàn, an ninh thông tin. Thực tế là không có một cơ sở dữ liệu nào hoặc không có một hệ thống thông tin nào là an toàn tuyệt đối. Chúng ta có thể dùng rất nhiều giải pháp về công nghệ khác nhau để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tất cả đều mang tính chất chủ quan còn vấn đề đảm bảo an toàn thông tin vẫn là thách thức rất lớn không chỉ riêng các hệ thống thông tin của Việt Nam mà cả thế giới, thậm chí hệ thống lớn của các quốc gia khác. Thứ ba, thách thức về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ mới của nước ta hiện nay. Yêu cầu về ứng dụng công nghệ mới rất cao nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực này còn rất ít. Thứ tư, khả năng triển khai hệ thống công nghệ thông tin của nước ta hiện nay cũng còn nhiều vấn đề, đặc biệt là các đơn vị tư vấn trong nước chưa làm chủ được các công nghệ mới, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty công nghệ nước ngoài.

Chia sẻ về kết quả của việc kết nối, sử dụng thông tin tín dụng hiện nay và tính hiệu quả trong việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của CIC trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, trước đây tại Vietcombank, số lượng bản ghi bị trùng lặp khi khai thác thông tin trên web rất nhiều. Vietcombank cấp quyền truy cập cho các chi nhánh, mỗi một đơn vị có thể kí hợp đồng độc lập với CIC, vì vậy, toàn hệ thống Vietcombank có khoảng 40 hợp đồng đơn lẻ kí với CIC. Do đó, các chi nhánh khai thác hợp đồng với CIC bị trùng lặp nhiều, trong số đó có nhiều trường hợp thông tin khai thác trong khoảng thời gian một vài ngày nhưng các chi nhánh khác nhau không có sự chia sẻ thông tin, do vậy, chi phí cho việc khai thác thông tin là rất lớn. Sau khi kết nối H2H với CIC, Vietcombank đã hợp nhất tất cả các hợp đồng đã kí của các chi nhánh, hiện tại, chỉ còn một hợp đồng duy nhất kí với CIC qua cổng H2H.

Về cơ bản, Vietcombank đã tiết kiệm được hơn 40% chi phí phát sinh và số lượng các giao dịch trùng lặp. Đây là động lực rất lớn để Vietcombank tiếp tục tăng cường khai thác sản phẩm theo kênh H2H đã kí và đã hợp tác với CIC.

Vietcombank là ngân hàng sử dụng rất nhiều và đa dạng các sản phẩm, dịch vụ của CIC; sử dụng các sản phẩm theo xếp hạng tín dụng của CIC; sử dụng các sản phẩm liên quan đến tài sản bảo đảm, thậm chí có những gói sản phẩm mua theo lô để phục vụ cho những phân tích, đánh giá và xây dựng mô hình của ngân hàng. Vietcombank sử dụng thông tin CIC như một chỉ tiêu, từ đó phân nhỏ các chỉ tiêu để chấm điểm xếp hạng đối với các loại khách hàng, từ khách hàng doanh nghiệp đến khách hàng cá nhân. Qua các dữ liệu của CIC đưa vào các mô hình, Vietcombank đánh giá hiệu năng cũng như chất lượng của mô hình được cải thiện đáng kể. Vietcombank còn sử dụng dữ liệu CIC để phục vụ cho phân tích ngành để đánh giá chất lượng theo ngành trong công tác về đánh giá, quản trị rủi ro cũng như về phát triển kinh doanh của ngân hàng.

 Bà Đinh Thị Thái cho biết, kế hoạch của Vietcombank để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu khách hàng trong thời gian tới là thường xuyên, liên tục làm sạch dữ liệu và cải thiện chất lượng dữ liệu phục vụ nhu cầu quản lí của ngân hàng. Tình trạng một khách hàng có nhiều số định danh vẫn còn xảy ra do trước đây khách hàng mở tài khoản dùng chứng minh thư 9 số, sau đó mở lại tài khoản bằng căn cước công dân 12 số; căn cước công dân gắn chíp hoặc bằng hộ chiếu. Do đó, Vietcombank phải thường xuyên tra soát dữ liệu để làm sạch, khớp các dữ liệu; việc yêu cầu khách hàng cập nhật các thông tin được thực hiện thường xuyên không chỉ để phục vụ cho việc cung cấp thông tin cho CIC mà còn phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền, công tác nâng cao chất lượng dịch vụ; định danh đúng khách hàng, đúng người đang mở tài khoản tại ngân hàng và phục vụ cho công tác quản lí rủi ro, gian lận trong nội bộ ngân hàng. Thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục phối hợp cùng với C06, Bộ Công an rà soát lại dữ liệu đối với những khách hàng đang có trong cơ sở dữ liệu và mở rộng khách hàng mới được kết nối cơ sở dữ liệu với C06 đã được làm sạch.
 

Toàn cảnh phiên thảo luận

Giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia

Theo ông Cao Văn Bình, để nâng cao chất lượng cơ sở thông tin tín dụng quốc gia, ngoài hoàn thiện khuôn khổ pháp lí thì cần phải nâng cấp hệ thống thông tin cũng như việc kiểm tra chấp hành báo cáo về thông tin của các TCTD. Trong thời gian vừa qua, CIC đã ban hành bộ tiêu chí để đánh giá về chất lượng báo cáo thông tin tín dụng của TCTD,  qua đó CIC có xếp hạng về chất lượng báo cáo cũng như việc khai thác sử dụng thông tin của các TCTD và có những chính sách khuyến khích đối với những báo cáo thông tin tín dụng đảm bảo chất lượng. Đây cũng là giải pháp tạo động lực cho các TCTD tham gia vào hệ thống thông tin tín dụng.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Cán bộ Quản lí Chương trình phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam và Campuchia, IFC chia sẻ thêm về nội dung liên quan đến thủ tục pháp lí của Việt Nam so với kinh nghiệm quốc tế, bà Huyền cho biết, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ra đời đã có tác động rất mạnh mẽ đối với các công ty dữ liệu và phân tích dữ liệu. Từ trước đến nay, các công ty về dữ liệu và phân tích dữ liệu thu thập thông tin một cách tự do, từ nhiều nguồn khác nhau. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP yêu cầu cần phải có sự chấp thuận của khách hàng; khách hàng có quyền được yêu cầu rút lại việc chia sẻ thông tin. Đó là những ảnh hưởng lớn đối với các công ty dữ liệu và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, cần phải có hành lang pháp lí để điều chỉnh những hoạt động của các công ty này và nếu đưa các quy định các công ty dữ liệu và phân tích dữ liệu sử dụng các dữ liệu thu thập được để phục vụ cho ngành tài chính - ngân hàng thì về phía NHNN hay CIC có thể xây dựng cơ chế cho các công ty này, đưa tất cả các hoạt động của họ vào khuôn khổ cụ thể; không cho phép các công ty về dữ liệu và phân tích dữ liệu tự do sử dụng dữ liệu cho bất bất kì mục đích nào. Vì vậy, về khuôn khổ pháp lí, NHNN và CIC cần xây dựng quy định rất cụ thể cho việc chia sẻ dữ liệu, sử dụng dữ liệu của các công ty về dữ liệu và phân tích dữ liệu.

Tiếp theo là thiết lập cơ sở hạ tầng về dữ liệu. Đối với cơ sở hạ tầng về dữ liệu, có thể có sự chấp thuận của khách hàng khi khách hàng đồng ý chia sẻ dữ liệu của mình phục vụ cho việc đánh giá khách hàng, thẩm định khách hàng, chấm điểm tín dụng khách hàng, tiếp cận các khả năng tài chính của khách hàng.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền kiến nghị với NHNN và CIC: Trong khuôn khổ pháp lí về dữ liệu, tùy theo loại sản phẩm vay hoặc sản phẩm tài trợ vốn của khách hàng mà cần có thêm các quy định khác. Ví dụ, trong sản phẩm của chuỗi cung ứng hay bao thanh toán, các ngân hàng có thể đánh giá định mức tín nhiệm, tín dụng của bên mua, nhưng bên mua lại không phải bên vay mà bên mua chỉ là bên sử dụng uy tín của họ và bên mua khẳng định bên cung ứng là khách hàng của họ, bên mua sẽ trả cho các khoản phải thu của bên cung ứng thông qua một tài khoản ngân hàng. Hiện nay, chúng ta không được cung cấp thông tin về bên mua vì bên mua không phải là bên vay, như vậy, khi mà các công ty về dữ liệu có rất nhiều thông tin về bên mua, liệu họ có được cung cấp lại thông tin cho CIC hay không và CIC có thể cung cấp tiếp các thông tin đó cho bên ngân hàng hay không để ngân hàng có cơ sở thực hiện các sản phẩm tài trợ vốn của mình?

Ông Motokatsu Ban - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng Mizuho tại Hà Nội nói về sự khác biệt về các sản phẩm thông tin tín dụng và cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng mà Ngân hàng khai thác tại các quốc gia khác so với Việt Nam. Theo đó, ở Việt Nam, Ngân hàng Mizuho có thể truy cập dữ liệu từ hệ thống CIC. Đối với Ngân hàng Mizuho, ngoài việc thu thập số liệu từ báo cáo tài chính của khách hàng thì việc kiểm tra tình trạng vay nợ của khách hàng tại các tổ chức tín dụng khách cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu so sánh dữ liệu CIC được cung cấp từ các cơ quan nhà nước giữa các quốc gia ASEAN khác thì dữ liệu CIC của Việt Nam có thể là một trong những dữ liệu với thông tin đầy đủ nhất. Những thông tin thiết yếu để phục vụ việc phê duyệt tín dụng đều có thể được thu thập từ hệ thống CIC.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng thông tin tín dụng từ các công ty tư nhân để có thêm các thông tin bổ sung khác. Ngân hàng Mizuho cũng đang sử dụng dịch vụ từ Fiingroup, Speeda, Euromonitor và các đơn vị cung cấp dữ liệu độc lập khác tại Việt Nam.

Tại các quốc gia khác, các TCTD nói chung cũng đang sử dụng các sản phẩm thông tin tín dụng được cung cấp từ các công ty tư nhân do các thông tin được cung cấp có nhiều chi tiết hơn, trong đó có thể kể đến thông tin về chấm điểm tín dụng và các báo cáo phân tích ngành. Do đó, ngoài việc sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin tín dụng từ ngân hàng trung ương thì Ngân hàng Mizuho cũng đang sử dụng báo cáo từ các công ty tư nhân như Speeda, Corpus và CTOS để thu thập các thông tin quan trọng như tổng quan của doanh nghiệp, tình hình tài chính, phân tích ngành, xếp hạng tín nhiệm quốc tế, thông tin liên quan tới gian lận, kiện tụng (nếu có) và quy mô giao dịch của công ty trong từng ngành tương ứng.

Tại Nhật Bản, cũng có nhiều công ty tư nhân thực hiện nghiên cứu và phân tích thông tin tín dụng. Các thông tin thu thập được không chỉ gồm tài chính mà còn về danh tiếng, khả năng quản lí, quy mô đầu tư, giao dịch… và căn cứ những nội dung này để đưa ra kết quả chấm điểm đối với từng công ty. Các ngân hàng thương mại nói chung có thể truy cập những dữ liệu này với một mức phí cho những gói dữ liệu nhất định. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn là khách hàng của Mizuho cũng có thể tiếp cận những thông tin, báo cáo để qua đó tự đánh giá cũng như thực hiện các điều chỉnh cần thiết để cải thiện kết quả chấm điểm.

Theo ông Motokatsu Ban, quản trị rủi ro được đánh giá là một yếu tố hết sức quan trọng đối với mọi ngân hàng. Ngành tài chính, ngân hàng đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn và do đó, các ngân hàng thực hiện các biện pháp quản lí, quản trị rủi ro nhiều hơn. Là một ngân hàng toàn cầu, Mizuho tính toán rủi ro tiềm tàng từng hạng mục và lên kế hoạch hành động cụ thể tại từng chi nhánh, trụ sở của các vùng và trụ sở chính.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng Mizuho có chỉ thị đối với việc phân loại khách hàng cũng như việc quản trị rủi ro tín dụng đối với từng khách hàng, do đó, việc thông tin từ các khách hàng cần được nhiều hơn, thông tin chi tiết hơn. Đối với Việt Nam, có thể thấy mỗi khách hàng hay mỗi doanh nghiệp có hệ thống báo cáo tài chính riêng biệt và không giống nhau, do đó, việc đưa ra quyết định phê duyệt tín dụng đang gặp một số khó khăn nhất định đối với Ngân hàng Mizuho. Ngân hàng Mizuho ngoài việc thu thập thông tin dữ liệu của CIC thì còn thu thập thông tin dữ liệu từ các đơn vị tư nhân khác.

Đối với việc đồng bộ thông tin, đây không chỉ là một vấn đề riêng đối với ngành tài chính, ngân hàng mà là vấn đề chung đối với cả đất nước. Do đó, nếu có thể đưa ra những thông tin đồng bộ và cụ thể hơn thì sẽ là một yếu tố rất tốt cho việc quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng.
 

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng phát biểu tổng kết Hội thảo
 
Tổng kết Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Ngân hàng nhấn mạnh, Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn trao đổi có tính tương tác cao giữa các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức quốc tế, các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc NHNN, các TCTD, các tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học… cùng thảo luận, đánh giá cơ hội phát triển và các giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro. Các ý kiến trao đổi của diễn giả tại phiên thảo luận đã kịp thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều thông tin theo chủ đề của Hội thảo; đồng thời, gợi mở một số vấn đề mới về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình hi vọng, những đề xuất, gợi ý giải pháp của các chuyên gia tại Hội thảo sẽ đóng góp những luận điểm khoa học thiết thực, làm cơ sở cho việc định hướng và hình thành các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam.
 


Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức
và các diễn giả tham dự Hội thảo
 
Hiền Phương
 

 
Theo: Tạp chí Ngân hàng