Thị trường chứng khoán bất ngờ bị bán tháo tiêu cực trong phiên giao dịch ngày thứ năm (10/11). Các chỉ số mở cửa chìm trong sắc đỏ và đà giảm nới rộng dần trong khoảng thời gian giao dịch sau đó khi số mã giảm điểm áp đảo hoàn toàn ở tất cả các nhóm ngành. Hàng loạt cổ phiếu lần lượt bị đạp xuống mức giá sàn, bao gồm các những Bluechips trong rổ VN30. Trên cả 3 sàn, có đến tận 301 mã giảm sàn, cho thấy là tâm lý thị trường trong phiên hôm nay là rất tiêu cực.
Tính đến thời điểm 10/11, đã có 730 cổ phiếu rơi về mệnh giá dưới 10.000 dồng/cp. Hình minh họa |
Thanh khoản trong phiên chỉ dừng ở mức thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng cho hành động bắt đáy tại thời điểm này. Trong những phút cuối phiên, VN-Index có nhịp hồi hơn 12 điểm từ vùng đáy nhưng vẫn chốt phiên với mức giảm tương đối lớn. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 10/11, VN-Index giảm 38,35 điểm (-3,89%) xuống 947,24 điểm, HNX-Index giảm 9 điểm (-4,47%) xuống 192,39 điểm.
Các nhóm ngành được quan tâm nhất trên thị trường đều giảm mạnh trong phiên 10/11 tiêu biểu có thể kể đến như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu, tài nguyên cơ bản, dầu khí, bán lẻ... Có lẽ việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên trước đó cũng đã có tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước dẫn đến áp lực bán ồ ạt trong phiên hôm nay.
Vấn đề của thị trường nằm ở chỗ thanh khoản. Thanh khoản bị tắc nghẽn áp lực chủ yếu đến từ thị trường trái phiếu sau sự kiện Vạn Thịnh Phát diễn ra từ đầu tháng 10 cùng với động thái nâng thêm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hai lần trong tháng 9 và tháng 10.
Dòng tiền trên thị trường phải cạnh tranh trực tiếp với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng, trong khi đó áp lực bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo các doanh nghiệp diễn ra diện rộng. Các quỹ cũng bán bớt cổ phiếu như tại VEIL đưa tỷ trọng tiền mặt về cao nhất trong nhiều năm 9,49%.
Chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Trong khi hầu hết các thị trường đều hồi phục mạnh thời gian gần đây sau chu kỳ giảm giá kéo dài suốt những tháng vừa qua. Trong vòng một tháng qua, chỉ số S&P 500 tăng 8%; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 7,3%; Sensex của Ấn Độ tăng 5,8%; PCOMP của Philippines tăng 7,2%; NKY của Nhật tăng 6,1%. Các chỉ số gồm MSCI thị trường phát triển tăng 7,1%.
Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam giảm 9,2% trong tháng 10 và giảm 24,8% trong vòng 3 tháng. Hiện tại, VN-Index còn 947 điểm, rơi về vùng giá cuối 2019 đầu 2020 trước khi dịch Covid19 xảy ra.
Dòng tiền chảy vào giai đoạn Covid-19 quá nhiều khiến thị trường tăng nóng và thời điểm này hiệu ứng rút tiền ra khiến thị trường điều chỉnh giảm về đúng vùng giá cũ là hợp lý. Những ngành nghề mang tính chu kỳ như thép điều chỉnh là dĩ nhiên. Tuy vậy, cũng có quá nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá đáy 10 năm nhưng không ai còn muốn mua.
Tính đến thời điểm 10/11, đã có 730 cổ phiếu rơi về mệnh giá dưới 10.000 dồng/cp. Con số này tăng mạnh gấp đôi so với tháng 9/2022. Trong đó, nhóm tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán bảo hiểm có đến 38 cổ phiếu rơi về mệnh; Nhóm bất động sản và Xây dựng 260 mã về mệnh; Nguyên vật liệu 71 mã; Năng lượng 50 mã; Công nghệ 15 mã. Tốc độ cổ phiếu rơi nhanh chưa từng có lịch sử. Những cổ phiếu rớt 60-80% thị giá nhan nhản khắp thị trường.
Trên các diễn đàn chứng khoán, hàng loạt đề xuất được nêu lên với mong muốn "cứu" lấy tài khoản đang thua lỗ nặng. Thậm chí có đề xuất hạ biên độ giao động giá trên HoSE 7% xuống còn 3% thậm chí 1%. Thị trường từng phải áp dụng biện pháp này. Ngày 27/3/2008, biên độ dao động giá của HSX được hạ từ 5% xuống còn 1%, tại HNX được hạ từ 10% xuống còn 2%. Các giải pháp này đã đem lại 10 phiên tăng giá, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ông Trần Đức Anh |
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV cho rằng, giải pháp này có thể chặn được đà giảm mạnh ngay lập tức của cổ phiếu nhưng hiệu ứng có thể tiêu cực hơn vì nếu cổ phiếu giảm 10% thì chỉ cần 2 phiên trong khi đó giảm biên độ xuống thì phải mất đến 4 phiên thậm chí lại gây mất thanh khoản của thị trường.
Nguyên nhân thị trường điều chỉnh có rất nhiều từ việc Fed tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine, trong nước lạm phát tỷ giá xu hướng tăng, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ, hút tiền về. Ngoài ra, một số sự kiện liên quan đến thị trường trái phiếu hoặc điều tra những vụ án lãnh đạo doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát làm cho thị trường điều chỉnh. Những việc này nằm ngoài khả năng can thiệp của Uỷ ban chứng khoán, Bộ Tài chính.
"Nếu có can thiệp thì có rất ít biện pháp can thiệp, hiệu quả không cao, nên để cho thị trường tự cân bằng, đến một thời điểm nào đó thị trường rơi về vùng giá thích hợp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tốt, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả", ông Anh nhấn mạnh và cho rằng nếu can thiệp thì nên ở hướng tăng tính minh bạch thị trường, quản lý tin đồn thất thiệt, tránh gây ra ảnh hưởng xấu hoặc miễn giảm thuế phí giao dịch. Những can thiệp này nhìn chung tác động không lớn mà về lâu dài vẫn phụ thuộc yếu tố ban đầu là tăng trưởng kinh tế tốt. Giá cổ phiếu tăng cuối cùng vẫn dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, miễn hẳn thuế giao dịch chứng khoán trong bối cảnh thị trường khó khăn sẽ đem lại tâm lý rất tích cực cho nhà đầu tư bởi sắc thuế này thu không nhiều cho ngân sách mà lợi ích nó mang lại gấp nhiều lần.
Một giải pháp khả thi khác để bình ổn thị trường là mua cổ phiếu quỹ. Luật Chứng khoán hiện hành "trói chân tay" doanh nghiệp khi muốn mua cổ phiếu quỹ nhiều thủ tục, xin ý kiến đại hội đồng cổ đông, trình Ủy ban Chứng khoán, không được trả cổ tức bằng cổ phiếu. "Tuần sau VAFI kiến nghị Thủ tướng xử lý theo hướng doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ không phải xin phép nếu đủ điều kiện để đỡ giá cho thị trường. Một bộ phận doanh nghiệp lớn tiềm lực tài chính mạnh, trích ra một phần mua, giảm bớt cổ tức tiền mặt, mua bối cảnh này họ cũng lời", ông Hải nhấn mạnh.
Vấn đề của thị trường hiện tại là thanh khoản do đó, theo SGI Captial, nếu không có hỗ trợ kịp thời, trong tháng tới thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực do dòng tiền hạn chế từ áp lực đáo hạn trái phiếu, call margin, và triển vọng tăng trưởng xấu đi. "Điểm mấu chốt là khi nào SBV cùng chính phủ có những thay đổi trong chính sách tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, ổn định lãi suất, tỷ giá, lấy lại niềm tin trong thị trường trái phiếu và thị trường tài chính nói chung", SGI Capital nhấn mạnh.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, để thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi, phát triển lành mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nên ưu tiên một số chính sách, giải pháp sau.
Thứ nhất, tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, các cơ quan chức năng cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ nhằm điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng ở mức phù hợp; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh truyền thông về giá cả, lạm phát, chính sách... nhằm giảm thiểu kỳ vọng lạm phát, tình trạng găm giữ và đầu cơ. Đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở cửa du lịch quốc tế hợp lý… cũng sẽ góp phần tăng cung và giảm sức ép ngoại tệ, tỷ giá.
TS. Cấn Văn Lực |
Thứ hai, đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong Chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công. Theo đó, các giải pháp quyết liệt, đồng bộ đã được nêu trong các chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ cần được nghiêm túc tuân thủ thực hiện, phấn đấu hết năm, đạt khoảng 30-35% Chương trình phục hồi và khoảng 85-90% kế hoạch giải ngân đầu tư công. Sớm nghiên cứu khả năng tiếp tục dùng chính sách tài khóa là chủ lực, chủ yếu là giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp.
Thứ ba, đẩy nhanh hoàn thiện và thực thi thể chế, kiểm tra, giám sát hợp lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường. Theo báo cáo, việc kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng đang diễn ra nhiều và chồng chéo, kém hiệu quả, gây tốn kém và ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tâm lý chung của thị trường. Do đó, việc kiểm tra giám sát nên được rút gọn hợp lý hơn. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc tinh thần của Nghị quyết 86/NQ-CP (ngày 11/7/2022) của Chính phủ về phát triển thị trường vốn, Chỉ thị 13/CT-TTg (ngày 29/8/2022) về phát triển thị trường BĐS, Chỉ thị 15/CT-TTg (ngày 16/9/2022) về ổn định kinh tế vĩ mô và Nghị định 65/2022/NĐ-CP (ngày 16/9/2022) về phát hành TPDN riêng lẻ (sửa đổi Nghị định 153). Đảm bảo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh khoản, dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp BĐS; đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tài chính - tín dụng...
Thứ tư, tăng cường củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư. Các cơ quan chức năng, chủ thể phát hành cần nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư; xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên thị trường vừa qua. Các chính sách, giải pháp cần nhất quán, rõ ràng, có lộ trình và công khai cập nhật tình hình triển khai. Về lâu dài, cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, giảm thiểu tâm lý đám đông.
Đồng thời, chú trọng phát triển nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) chuyên nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản để dẫn dắt thị trường, hạn chế tình trạng tăng nóng hay giảm sâu do sự hứng phấn hay bi quan quá mức của một số nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư vì thế sẽ giúp thị trường trở nên ổn định và phát triển bền vững hơn, đồng thời cung cấp thêm kênh đầu tư phù hợp cho người dân.
Thứ năm, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, có tính liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm - bất động sản. Thực tiễn chứng minh bốn lĩnh vực này có mối quan hệ tương tác qua lại chặt chẽ với nhau. Một số vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán vừa qua đã cho thấy tính phức tạp, liên thông trong mối quan hệ này. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp chính sách hiệu quả, nhìn nhận các hiện tượng, trao đổi thông tin và quản lý, giám sát hệ thống tài chính - bất động sản trong mối quan hệ tổng thể, trước mắt và lâu dài, thay vì rời rạc, cục bộ, giật cục và ngắn hạn.
Cuối cùng, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu khuyến nghị, nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông bán tháo cổ phiếu đang nắm giữ, mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp, đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy và kiên trì nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán là rất cần thiết.
Đức Anh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|