Bất động sản xanh hấp dẫn nhà đầu tư có tầm nhìn Giá vàng lại tăng sốc, nhà đầu tư đổ xô ‘gom vàng’ Bất động sản cao cấp: 'Thỏi nam châm' hút nhà đầu tư |
Thận trọng hơn trong quyết định đầu tư
Đánh giá cao cơ hội của Việt Nam trong thu hút dòng vốn ngoại những năm qua, ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: Những năm qua, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2024 với mức tăng GDP đạt gần 7,1%.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam – cho rằng: Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
![]() |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý I/2025 tăng gần 25% so với cùng kỳ 2024. Ảnh minh họa |
Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I/2025 được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) mới đây công bố cho thấy, Việt Nam thu hút được gần 11 tỷ USD vốn ngoại trong 3 tháng đầu năm, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với sự tăng trưởng tích cực của vốn FDI đăng ký, vốn FDI giải ngân cũng khá tích cực khi đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong quý I của 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hùng, trong bối cảnh kinh hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang quan sát tình hình, chờ đợi thêm thông tin và thận trọng hơn trong quyết định đầu tư. Điều này sẽ tác động đến cơ hội thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Cũng nhận định về vấn đề này, bà Phí Thị Hương Nga – Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) – cho rằng: Kết quả thu hút FDI 3 tháng đầu năm của Việt Nam rất tích cực. Tuy nhiên, ở thời điểm này các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có tâm lý chờ đợi khi đưa ra quyết định đầu tư vì đang chờ thêm những tín hiệu mới về chính sách thương mại của các quốc gia.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự lo ngại khi đưa quyết định đầu tư trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi là chuyện hết sức bình thường, bởi mục tiêu cuối cùng của hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn là tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi mọi chính sách đã rõ ràng và đi vào ổn định thì dòng vốn FDI sẽ tiếp tục được duy trì, nhất là với những quốc gia có lợi thế về thu hút đầu tư như Việt Nam.
![]() |
Với những lợi thế sẵn có, Việt Nam đang được đánh giá là điểm hấp dẫn với dòng vốn FDI. Ảnh minh hoạ |
Giải pháp để Việt Nam “ghi điểm” với nhà đầu tư ngoại
Dự báo, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có khoảng thời gian chững lại để quan sát khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với những lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, viễn thông, chất lượng nguồn nhân lực đang ngày càng được nâng cao, cộng với những chính sách đột phá trong cải cách bộ máy hành chính mà Việt Nam đang thực hiện cũng như mục tiêu giảm thiểu 30% thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ… sẽ mở ra những không gian mới, cơ hội thuận lợi cho Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Tuy vậy, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút FDI trong bối cảnh mới, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục chủ động, tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin sớm cho doanh nghiệp về thuế đối ứng, giúp doanh nghiệp chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường nước ngoài. Từ đó, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu.
Trong khi đó, theo ông Shantanu Chakraborty, để tạo thuận lợi trong thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam có thể mở rộng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, ví dụ như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… nhằm gia tăng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này.
Bên cạnh những giải pháp trên, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, Việt Nam có thể thu hút vốn đầu tư vào các ngành hàng có lợi thế, đặc biệt là các lĩnh vực được ưu tiên trong các FTA như công nghệ cao và sản phẩm bền vững.
Các yếu tố quan trọng giúp thu hút FDI vào Việt Nam, bao gồm: Chính sách ổn định vĩ mô và cải cách kinh tế mạnh mẽ; mở rộng các Hiệp định thương mại tự do (FTA); chế độ thuế và ưu đãi rõ ràng cho các nhà đầu tư; tăng cường hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. |