Phân tích nguyên nhân dẫn đến tâm lý đổ xô mua vàng thời gian qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt vì từ xưa tới nay, vàng có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuần sản xuất ra đồ trang sức. Chính vì vậy, khi thế giới biến động, chiến tranh xảy ra hay kinh tế có chiều hướng suy giảm… thì giá vàng tăng vọt. Người dân giữ vàng để bảo vệ giá trị đồng tiền. Người Việt Nam, tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao, chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng, không phải chỉ để trang sức mà thực sự là tích trữ, đề phòng rủi ro, có tài sản phòng thân.
Khẳng định đó là yêu cầu chính đáng của người dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng nếu không cho phát triển thị trường vàng miếng, chỉ có vàng miếng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, cung ít, cầu nhiều thì đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý lo sợ lại lao đi mua, lại đẩy giá lên. Nếu chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua về cất tủ, két ở nhà, thì chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng kéo theo nhiều vấn đề về khả năng sinh lợi, không được đưa vào lưu thông, và mất chi phí cho việc bảo trữ. Để hạn chế tình trạng đó, cần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhằm tạo ra cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Khi càng cạnh tranh về cung thì càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá phi lý.
Đề xuất cần thành lập sàn giao dịch vàng, GS,TS. Hoàng Văn Cường chỉ ra những ưu điểm của sàn như không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường. Như vậy, kể cả trong giai đoạn nhiều người cần vàng thì vàng vẫn nằm trên thị trường, lưu thông mua bán được mà không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán. Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi, đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời.
"Đó là yếu tố hết sức có lợi cho cả phía người dân yên tâm vẫn có vàng nếu muốn dự trữ và cả về phía thị trường, chúng ta điều hành về mặt nhà nước, quản lý thị trường, chúng ta bảo đảm quản lý được ngoại tệ", GS, TS. Hoàng Văn Cường nói.
Phân tích thêm, GS,TS. Hoàng Văn Cường cho rằng khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt. Cùng với đó, với sự cần thiết phải liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới, khi thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.
Cần thiết nhưng GS, TS. Hoàng Văn Cường cũng lưu ý cần tính tới phương thức quản lý sàn vì vàng là hàng hóa đặc biệt, không phải hàng hóa thông thường. Thực tế những năm trước đây đã cho thấy có tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức giao dịch sàn vàng quốc tế, rủi ro xảy ra rất nhiều. Giao dịch vàng cần nghiệp vụ rất sâu, không phải ai cũng tham gia được, nếu không cẩn trọng, có thể xảy ra khủng hoảng, thiệt hại cho dân. Do vậy, GS,TS. Hoàng Văn Cường đề xuất lập mô hình sàn vàng không phải như bán hàng hóa thông thường, ai mua cũng được mà phải đưa vào từng cấp độ, như sàn sơ cấp, chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để phòng ngừa rủi ro.
Minh Nhật
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|