Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 vẫn thấp

(Banker.vn) Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã cùng vào cuộc ngay từ đầu năm để thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 nhưng qua 4 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp.

Cụ thể, theo số liệu Bộ Tài chính trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2021, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2021 đạt 86.010,29 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%), trong đó vốn trong nước đạt 20,74%, vốn nước ngoài đạt 2,02%.

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp (41/50) và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%... Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, giải ngân vốn nước ngoài ước 4 tháng đầu năm 2021 rất thấp và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/1/2021, đã có trên 454.779 tỷ đồng vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2020 được giải ngân, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là một tỷ lệ cao trong nhiều năm trở lại đây, nhất là trong năm 2020 vừa qua, do đại dịch COVID-19, toàn xã hội thực hiện giãn cách nên nhiều dự án bị chậm tiến độ thi công. Tỷ lệ này cũng cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ giải ngân của năm 2019 (đạt 73,7% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 76,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Nguyên nhân chưa giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2021 được các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chỉ ra là do trong các tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung giải ngân vốn năm 2020 kéo dài song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021. Đồng thời, các tháng đầu năm, nhiều chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên chưa có khối lượng để thanh toán.

Hơn nữa, các dự án lớn còn đang phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư (dự án đường cao tốc Bắc - Nam…). Đặc biệt, các khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng vẫn tồn tại (đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích).

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA quá thấp cũng được chỉ rõ là do hầu hết các hoạt động của dự án đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… Tuy nhiên do chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nên các hoạt động này đều bị dừng lại, tiến độ dự án vì thế bị chậm lại, tiến độ giải ngân cũng bị ngưng trệ theo.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt tỷ lệ cao nhất khi hết niên độ ngân sách, Bộ Tài chính đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng quy định tại các luật hiện hành và triển khai các quy định mới liên quan đến quản lý định mức đầu tư.

Theo đó, đối với các bộ, ngành, địa phương, đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ- CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn các dự án ngay từ đầu năm. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đề ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu… đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án.

Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ có chế tài nghiêm khắc, quy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Thanh Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục