Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Ách tắc ở khâu nào?

(Banker.vn) Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 22,3% kế hoạch năm, trong đó, 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Quyết liệt từ trung ương đến địa phương

Xác định giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với hồi phục và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thông qua những hành động và văn bản cụ thể.

Theo đó, ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Ách tắc ở khâu nào?
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công

Nói về lý do chuyến công tác trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư công cần được hấp thụ trong 2 năm (2022-2023) là rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, cách tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Với quan điểm đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ lại ký Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư công năm 2022 được giao, có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4 dưới mức trung bình cả nước là 18,48%.

Trong đó 6 Tổ công tác thì có tới 4 tổ công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm tổ trưởng, còn 2 Tổ công tác còn lại do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng.

Các tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành địa phương trên cả nước cũng liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, với số vốn dự kiến giải ngân là 50.327,6 tỷ đồng.

Về phía địa phương, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm công tác năm 2021 và đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Hay như tỉnh Bắc Ninh, theo bà Nguyễn Hương Giang - Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2022, địa phương này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể là Chỉ thị số 01/CT-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn được phân bổ, tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đưa ra các văn bản chỉ đạo, tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Ách tắc ở khâu nào?
Giá nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Vẫn “tắc” giải phóng mặt bằng

Quyết liệt từ trung ương đến địa phương, song theo Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 22,3% kế hoạch, trong đó, 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Kết quả này được đánh giá thấp so với kỳ vọng của cơ quan chức năng và yêu cầu của nền kinh tế.

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong những tháng đầu năm?. Tại buổi làm việc của Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ với TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam về tình hình giải ngân vốn đầu tư công diễn ra mới đây, rất nhiều đại biểu đã nêu cụ thể những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - ông Trương Quốc Huy, giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương mới đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng giao. Nguyên nhân là năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới, nên trình tự đầu tư mất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất 30-35 ngày. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng tăng cao… cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm.

Đồng tình với nguyên nhân giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công, song bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến giải ngân chậm là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc.

“Người dân đòi giá bồi thường rất cao, cao hơn giá Nhà nước quy định, nên bồi thường giải phóng mặt bằng ở Bắc Ninh cực kỳ khó khăn” - bà Nguyễn Hương Giang thông tin thêm.

Cũng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, ông Trương Quốc Huy cho rằng, muốn giải phóng mặt bằng một dự án giao thông thì phải di dời nhà dân đi nơi khác, đi nơi khác lại giải phóng ở đó, như vậy là 2 lần giải phóng mặt bằng.

Còn theo ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính: Thời gian qua giá nhà đất ở một số địa phương có tăng, đấy cũng là một yếu tố dẫn đến giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai thì công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp vướng mắc.

Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, công trình nhanh hay chậm, cốt ở công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, việc tách giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng là hết sức cần thiết, bởi đây là khâu thường xuyên chậm trễ, phát sinh vấn đề phức tạp.

Giải pháp nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công?

Để tạo thuận lợi cho giải ngân vốn đầu tư công, ông Trương Quốc Huy cho rằng, nên tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Bởi nếu tách được giải phóng mặt bằng cho phép lựa chọn các địa điểm để triển khai khu tái định cư trước thì người dân có thể thấy rõ nơi ở mới tốt hơn chỗ cũ và dễ làm hơn rất nhiều. Tháo gỡ được công tác giải phóng mặt bằng thì sẽ không làm ảnh hưởng đến dự án đầu tư.

Liên quan đến vấn đề này, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề án tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Tuy nhiên, để làm được việc này cũng vô cùng khó khăn, bởi theo ông Đỗ Thành Trung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu tách được ra, công tác giải phóng mặt bằng sẽ trở thành một dự án độc lập, phải tuần tự thực hiện các bước theo quy định, chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan, không chỉ Luật Đầu tư công mà còn Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Ngân sách nhà nước… và nếu không xử lý được vấn đề gốc thì vẫn vướng.

Bên cạnh tháo gỡ vướng mắc cho công tác giải phóng mặt bằng, bà Nguyễn Hương Giang kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp vĩ mô nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu, cùng với đó có chính sách bù giá, hỗ trợ nhà đầu tư thi công công trình. Các bộ chuyên ngành cũng cần tạo điều kiện rút ngắn thời gian thoả thuận, thẩm định cấp phép thi công, tạo điều kiện để các dự án đầu tư công sớm được triển khai thực hiện.

Bên cạnh những vướng mắc trên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công cũng thể hiện trách nhiệm của địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Trách nhiệm ở đây không chỉ là công tác chỉ đạo, điều hành trong thực thi, mà còn ở công tác chuẩn bị, thẩm định dự án không tốt, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, năng lực một số chủ đầu tư và nhà thầu còn yếu.

Cũng liên quan đến trách nhiệm của địa phương, ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, cùng một mặt bằng cơ chế, nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, lại có những bộ, ngành, địa phương giải ngân kém hơn. Theo đó, khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương vẫn cần được chú trọng nếu muốn công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương