Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 đạt mức thấp

(Banker.vn) Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5/2022, giá trị vốn đầu tư công trong nước triển khai thực hiện mới đạt 113.700 tỷ đồng, chỉ bằng 23% kế hoạch và vốn ngoài nước là 2.178 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch. Năm 2022, khối lượng vốn đầu tư công là khoảng trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với các năm trước.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Cùng thời điểm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 481.200 tỷ đồng, tương ứng đạt 93% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Tình trạng giải ngân vốn chậm như vậy vẫn thường diễn ra các năm trước đây. Theo số liệu thống kê, đoạn 2017-2022, giải ngân của 5 tháng đầu năm thường đạt từ 22 đến 26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thấp nhất là năm 2021 - đạt 22,12%, cao nhất là năm 2019 - đạt 26,4%. Tuy nhiên, giải ngân cả năm các năm này vẫn thường đạt mức khá trở lên, từ 76,89% đến 96,47%. Trong đó, năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất là 2020 đạt 96,47%.

Như vậy, nếu xét về xu hướng chung, tỷ lệ giải ngân trên 23% của năm nay cũng là mức bình thường, có thể hi vọng, đến cuối năm, cùng với các giải pháp thúc đẩy từ Chính phủ tới các địa phương, chủ đầu tư, tiến độ giải ngân tăng tốc, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt được mức cao.

Trong bản tin tổng hợp kinh tế - tài chính vừa công bố, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) cho rằng, có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc chậm trễ trong việc giải ngân đầu tư công trong các tháng đầu năm, có thể kể đến: công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn; giá thành nguyên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao; một số dự án mới cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực và chuyên môn.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ý chí, quyết tâm của người đứng đầu ngành, dự án đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy thực hiện dự án. Trong cùng một điều kiện, một thể chế như nhau song nhiều địa phương thực hiện giải ngân cao nhờ có nhiều mô hình hay và cách làm tốt.

Để hỗ trợ giải quyết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cản trở tốc độ hồi phục của nền kinh tế, ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tổ công tác có các nhiệm vụ sau: tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tổ công tác cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Tổ công tác phải báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương.    

P.V

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ