Giải mã tín dụng tăng trưởng âm và định hướng kích cầu dòng tiền

(Banker.vn) Mặc dù có những yếu tố hỗ trợ như lãi suất giảm, nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng tín dụng vẫn giảm trong 2 tháng đầu năm nay.
Tín dụng tăng trưởng âm Ngân hàng đẩy hàng trăm nghìn tỉ đồng vốn vay mong tín dụng thoát tăng trưởng âm Thủ tướng: Quyết liệt các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng vào sản xuất, kinh doanh

Tín dụng tăng thấp phù hợp với tình hình thị trường?

Tháng sau giảm thấp hơn tháng trước nhưng nhìn chung 2 tháng đầu năm 2024 tín dụng vẫn đang ở mức tăng trưởng âm. Cụ thể đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Lý giải nguyên nhân này, cả cơ quan quản lý nhà nước đều có chung một nhận định là do yếu tố thời vụ. Tín dụng thường tăng mạnh vào tháng cuối năm và giảm nhẹ vào 1 - 2 tháng liền kề bởi rơi vào tháng tết cũng như kế hoạch kinh doanh của năm mới chưa thực sự “vào guồng”. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi trở lại từ quý 2 và bứt tốc từ quý 3, như thông lệ hàng năm.

Bên cạnh đó, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, tiêu chuẩn để đáp ứng được vay vốn của doanh nghiệp chưa đảm bảo cũng là những nguyên nhân chính được đề cập khi nói đến sự giảm sút của tăng trưởng tín dụng.

Giải mã tín dụng tăng trưởng âm và định hướng kích cầu dòng tiền
2 tháng đầu năm 2024 tín dụng vẫn đang ở mức tăng trưởng âm

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh yếu tố thời vụ thì thị trường xuất khẩu chưa thực sự khởi sắc cũng có tác động tới tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay. Ngoài ra, tổng cầu còn yếu, kết hợp giữa cầu nội địa với cầu xuất khẩu chậm, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh chậm, kéo theo nhu cầu tín dụng thấp.

“Nền kinh tế vẫn tiếp nối giai đoạn trì trệ của năm 2023 và thời điểm này, một dấu hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp ngưng hoạt động và phá sản tăng cao so với mức bình quân của năm 2023”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 2 tháng đầu năm nay tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng, có gần 31.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gấp đôi so với mức bình quân cả năm 2023 có thể xem là dấu hiệu nền kinh tế đang vận hành rất chậm.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực nhận định: thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, phục hồi còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn đã khiến tín dụng tăng trưởng chậm trong 2 tháng đầu năm. Vị chuyên gia này cũng lạc quan nhìn nhận, với những khó khăn, cùng với khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng bị giảm và nhu cầu vốn, khả năng hấp thụ vốn như nêu trên, tăng trưởng tín dụng năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 diễn biến cơ bản là phù hợp với tình hình thị trường.

Tăng tổng cầu và đầu tư tư nhân để kéo đà tăng tín dụng

Giải pháp tăng tín dụng nói riêng và tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nói chung đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo liên tiếp thông qua các Chỉ thị, văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện; đồng thời, 2 hội nghị về tăng trưởng tín dụng và gỡ khó cho vay nhà ở xã hội được triển khai cuối tuần trước là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng15% của năm nay, TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm 0,72%, do vậy dự báo lãi suất cho vay sẽ còn giảm xuống; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2024 sẽ tốt hơn năm trước nhờ các biện pháp của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Do đó, khả năng đến cuối năm tín dụng có thể tăng 15%.

Gợi mở các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tín dụng sẽ tăng trong khoảng nửa cuối năm 2024, trên cơ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xoay chuyển chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng vào những tháng cận kề cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Sản xuất xanh, ‘con đường độc đạo’ để xuất khẩu xanh
Để vực dậy nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu

Theo ông Hiếu, để thúc đẩy tín dụng tăng thì cần thúc đẩy tổng cầu trong nước. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công thì vực dậy nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và cầu nội địa, hai yếu tố này cần được tăng lên. “Kỳ vọng việc tăng lương cho người lao động từ tháng 7 tới sẽ là cú huých với tổng cầu nội địa”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, để tăng trưởng tín dụng, thì ngoài yếu tố giảm lãi suất còn phải tính đến việc bơm tiền nhiều hơn vào nền kinh tế. Ông Hiếu phân tích: Hai năm vừa qua, chúng ta tập trung quá nhiều vào câu chuyện hạ lãi suất nhưng thực tế cho thấy, lãi suất không giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Lãi suất không phải là công cụ, là mũi tên để trúng nhiều đích. Thực tế, giảm lãi suất đúng là sẽ có tác động tới nền kinh tế, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi rất chậm trong năm 2023 dù lãi suất đã hạ.

Theo ông Hiếu, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần phải có những công cụ khác, thay vì chỉ là lãi suất như cung tiền cần được tăng, vòng quay tiền cần lớn hơn hay nói cách khác cần bơm tiền vào nền kinh tế, đẩy tiền trong lưu thông mạnh hơn. Nhưng bơm tiền cũng có mặt trái khi nền kinh tế, các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro lớn. “Để giải quyết vấn đề này, chúng ta quay lại câu chuyện sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng, thúc đẩy đầu tư công và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu”, ông Hiếu đề xuất.

Theo TS. Cấn Văn Lực, giải pháp tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân cần tính đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần tập trung vào các động lực tăng trưởng. Cụ thể, cần đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư tư nhân, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như liên kết vùng với việc thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, tăng tính lan tỏa, nhất là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng năng suất lao động…

Được biết, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng và đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất cho vay dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh hơn việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương