Hỏi: Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng A với Công ty B được giao kết và thực hiện giải ngân tiền vay tại Chi nhánh M của Ngân hàng. Khi ký kết hợp đồng, các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp. Đến hạn trả nợ, Công ty B không trả được nợ nên Ngân hàng A đã khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng với Công ty B tại Tòa án nơi có Chi nhánh M của Ngân hàng. Trường hợp này, Tòa án nơi có Chi nhánh của Ngân hàng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không ?
Trả lời: Về nguyên tắc chung, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đối với tranh chấp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này thì nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp.
Trường hợp này, do các đương sự không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng nên không áp dụng điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26,28,30 và 32 của Bộ luật này”.
Điểm g khoản 1 Điều 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết”.
Căn cứ các quy định nêu trên, Tòa án nơi bị đơn có trụ sở và Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trường hợp nguyên đơn lựa chọn Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết tranh chấp thì tôn trọng và thực hiện theo quyền định đoạt của nguyên đơn.
Hợp đồng tín dụng này có hoạt động giải ngân tiền vay tại Chi nhánh M của Ngân hàng nên nơi có Chi nhánh M của Ngân hàng được xác định là nơi thực hiện hợp đồng. Do vậy, Tòa án nơi có Chi nhánh M của Ngân hàng có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp nêu trên.
Hỏi: Hợp đồng tín dụng mà bên vay là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, do người đại diện theo pháp luật ký hợp đồng nhưng hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên. Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì bên vay được xác định là Công ty hay cá nhân người đại diện? Công ty sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì?
Trả lời: Điểm d khoản 2 Điều 56 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền và nghĩa vụ: “Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.
Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện theo quy định:
“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đồng ý;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch…”
Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty giữa tổ chức tín dụng với Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải được Hội đồng thành viên Công ty thông qua. Người đại diện theo pháp luật của Công ty giao kết hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty mà không được Hội đồng thành viên thông qua thì được xác định là giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện. Theo đó:
(1) Trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a,b,c khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty (người được đại diện); khi đó bên vay được xác định là Công ty. Trường hợp hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của Hội đồng thành viên về nội dung thông qua hợp đồng vay, nhưng có tài liệu, chứng cứ thể hiện khoản tiền vay được chuyển vào tài khoản của Công ty, được Công ty sử dụng, được hạch toán trên sổ sách, giấy tờ của Công ty thì được coi là Công ty đồng ý với hợp đồng tín dụng do người đại diện của Công ty xác lập, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
(2) Trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a,b,c khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân dự năm 2015 và có tài liệu, chứng cứ cho thấy người đại diện theo pháp luật sử dụng số tiền vay được cho mục đích cá nhân thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty. Căn cứ khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này, bên vay được xác định là cá nhân người đại diện đã ký hợp đồng tín dụng.
Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự căn cứ vào Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tổ chức tín dụng khởi kiện Công ty thì Công ty là bị đơn. Tổ chức tín dụng khởi kiện cá nhân người đại diện ký hợp đồng tín dụng thì cá nhân đó là bị đơn; Công ty tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
H.Q -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|