Giải bài toán vốn để phát triển thị trường tín chỉ carbon cho TP. Hồ Chí Minh

(Banker.vn) TP. Hồ Chí Minh cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường tín chỉ carbon tự nguyện trong nước với khu vực.
Hướng tới thị trường tín chỉ carbon TP. Hồ Chí Minh tìm giải pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo

TP. Hồ Chí Minh đang phát thải 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm

Tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 6/9, nhóm nghiên cứu của GS.TS Trần Ngọc Thơ, TS. Hồ Quốc Tuấn, TS. Lê Đạt Chí và Ths Nguyễn Thị Thu Hà- cho biết, TP. Hồ Chí Minh hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Với Quyết định số 3273/QĐ-UBND, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.

Giải bài toán vốn để phát triển thị trường tín chỉ carbon cho TP. Hồ Chí Minh
Các đại biểu tham dư hội thảo

Nhóm nghiên cứu cho biết, phản ứng với mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp đã dần bắt đầu hành động. Không chỉ đẩy nhanh tiến bộ trong việc kiểm kê khí thải, các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh bằng cách thực hiện một loạt các biện pháp, như thay đổi trong hoạt động kinh doanh để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và tạo ra giá trị bền vững. Đáng chú ý, trong khi chuẩn bị cho việc tham gia thị trường carbon bắt buộc, các doanh nghiệp tiên phong thậm chí tuyên bố những cam kết tham vọng hơn như trung hòa carbon (carbon neutral), hoặc phát thải ròng bằng không (net zero).

Tuy vậy khi tham gia theo kinh tế xanh đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng. Để điều hướng dòng vốn đến công cuộc giảm phát thải, việc tăng tiếp cận đến các cơ hội từ trái phiếu xanh, cho vay xanh và thị trường carbon trong nước và quốc tế rất quan trọng.

Cần tận dụng ưu đãi từ Nghị quyết 98 để giải bài toán vốn cho kinh tế xanh

Liên quan bài toán vốn cho kinh tế xanh, theo Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã mở ra một số cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh, bao gồm quy chế mới trong quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường carbon.

Bà Hà cho rằng thành phố cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực.

Đối với trái phiếu xanh, TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) chia sẻ thông tin từ của Climate Bonds Initiative (CBI).

Ông cho biết đến năm 2023, khoảng 2.334 tỷ USD trái phiếu xanh (TPX) đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 là 5.000 tỷ USD. Bên cạnh TPX còn có các loại trái phiếu khí hậu, xã hội, môi trường, phát triển bền vững và trái phiếu các dự án bảo vệ thiên nhiên, xã hội và quản trị công (ESG).

Với TP. Hồ Chí Minh, theo TS Trần Văn, vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội, thành phố hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động TPX của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh phục vụ các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.

Tuy nhiên, để có thể triển khai rộng rãi tài chính xanh, TP. Hồ Chí Minh cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường TPX, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và DN, trên cơ sở vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết 98 đã được Quốc hội khóa 15 thông quan.

“Thành phố có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… Từ đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay TPX do doanh nghiệp dự án phát hành”- TS Trần Văn nêu quan điểm.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi: Sẽ công bố chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong tháng 9/2023

TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước các thách thức to lớn về biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước. Bởi đây là những vấn đề nội tại nếu không chuyển đổi xanh, nếu không có chính sách cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế thành phố mất đi năng lực cạnh tranh.

Theo ông Phan Văn Mãi, TP. Hồ Chí Minh xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.

“Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2023 diễn ra trong tháng 9 này”- ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương