Giải bài toán nguồn tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi số

(Banker.vn) Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số.
Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế số Các “ông lớn” công nghệ chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số

Kết quả này đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3 - 4 năm qua). Đến nay, có tới 96% ngân hàng tại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.

Đến cuối năm 2022, hơn 15.000 tỷ đồng được các ngân hàng đầu tư cho chuyển đổi số
Đến cuối năm 2022, hơn 15.000 tỷ đồng được các ngân hàng đầu tư cho chuyển đổi số

Tuy nhiên, triển khai chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả và bền vững vẫn là bài toán lớn với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở mọi quy mô. Theo kết quả khảo sát của một số công ty tư vấn chiến lược như McKinsey và BCG, hơn 70% dự án chuyển đổi số tại các doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng. Trong chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là phải liên tục, sẵn sàng đối mặt với những biến động thị trường, thay đổi hành vi khách hàng, rủi ro đầu tư công nghệ…

Là chuyên gia chuyển đổi số với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Google, Microsoft, CitiGroup, Visa, HSBC, Giáo sư David L.Rogers khẳng định, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không hẳn chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ. Quá trình này phải xác định cả việc thay đổi tư duy, áp dụng tư duy mới vào trong chính tổ chức của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nghĩ tới dữ liệu vì đây là tài sản đóng vai trò cốt lõi trong chặng đường phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Bàn về lĩnh vực cụ thể là tài chính - ngân hàng, giáo sư khẳng định, quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ không hề dễ dàng. Ông dẫn số liệu, qua nghiên cứu, có tới 70-80% chiến dịch chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã không mang lại kết quả mong muốn.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra nhóm những rào cản với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm: Không có tầm nhìn chung; không có thói quen thử nghiệm; không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.

Giáo sư David J. Rogers đúc kết, chuyển đổi số không thể chỉ bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà phải được thực hiện từ cấp thấp nhất và gắn kết từ mọi cấp trong tổ chức. Chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc mà là một quá trình liên tục.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Trịnh Trang

Theo: Báo Công Thương