Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

(Banker.vn) Thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định, bền vững, công khai và minh bạch của thị trường. Để thu hút được ngày càng nhiều dòng vốn này, nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đóng vai trò quan trọng, đây cũng là mục tiêu phát triển thị trường được đưa ra trong Nghị quyết 86/NQ-CP ban hành ngày 11/7/2022.

Cho tới cuối năm 2023, mục tiêu nâng hạng vẫn chưa hoàn thành và còn đối mặt với một số khó khăn về tiêu chí nâng hạng của hai tổ chức FTSE Russell và MSCI. Mặc dù không được MSCI đưa vào danh sách chờ nhưng cơ hội được FTSE Russell nâng hạng vẫn còn cho tới hết năm 2024. Bài viết phân tích các thông tin liên quan tới bối cảnh thị trường, cơ hội khi nâng hạng thành công, khó khăn hiện Việt Nam đang đối mặt, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường trong năm 2024.

Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường cận biên và thị trường mới nổi

Có nhiều cách phân loại mức độ phát triển của các nền kinh tế, thị trường tùy thuộc tổ chức xếp loại như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Liên hợp quốc (UNCEF) hay Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF). Tuy vậy, dựa trên mục đích của các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ các TTCK, cách định nghĩa của MSCI và FTSE Russell được cho là phù hợp nhất. Theo đó, các quốc gia được phân lọai thành 3 nhóm: Phát triển (Developed), Mới nổi (Emerging) và Cận biên (Frontier).

Trong các tiêu chí xếp loại các thị trường, MSCI, FTSE Russell không chỉ sử dụng các dữ liệu kinh tế mà còn xem xét tới quy mô và tính thanh khoản của thị trường. Dựa trên các tiêu chí đánh giá của mình, các tổ chức định kỳ nửa năm sẽ xem xét và đánh giá chỉ số của họ, những thị trường nào không đáp ứng điều kiện sẽ rơi trở lại tình trạng trước đó, ví dụ trở về thị trường cận biên so với thị trường mới nổi. Năm 2021, Pakistan đã bị đánh giá trở lại là thị trường cận biên do đáp ứng được các yêu cầu về khả năng tiếp cận thị trường nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn về quy mô và tính thanh khoản.

Thị trường mới nổi là một thị trường đang trong quá trình tăng trưởng, phát triển nhanh chóng với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn và thị trường vốn kém phát triển hơn với các thị trường phát triển (ví dụ các nước BRIC – Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc). Thị trường cận biên được hiểu là thị trường có thanh khoản kém, thị trường vốn kém phát triển và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, do các thị trường cận biên chưa trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh và mạnh nên tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng còn lớn khiến những thị trường này trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư ưa thích rủi ro. Thông thường, các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn hơn vào các thị trường phát triển và mới nổi do tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng và quy mô giao dịch lớn hơn so với các thị trường cận biên.

Về quy mô và tính thanh khoản, thị trường mới nổi lớn gấp nhiều lần so với các thị trường cận biên, chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi (MSCI Emerging Market Index) được nhiều quỹ ETF trên toàn cầu lựa chọn để làm chỉ số tham chiếu khi thực hiện đầu tư. Do vậy, các thị trường cận biên nếu được nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi sẽ có cơ hội tham gia vào thị trường vốn lớn toàn cầu, tiếp nhận nguồn vốn lớn từ các quỹ ETF. Thông tin tại (Hình 1) cho thấy giá trị vốn hóa thị trường mới nổi của MSCI đạt giá trị hơn 6.761 tỷ USD so với hơn 105 tỷ USD của thị trường cận biên.

Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Bối cảnh TTCK Việt Nam hiện nay

TTCK Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm thị trường cận biên, đặc biệt nằm trong nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell kể từ năm 2018. Vốn hóa của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên luôn chiếm tỷ trọng lớn 26% đến 35% tỷ trọng chỉ số MSCI Frontier Market và FTSE Frontier.

Theo báo cáo chỉ số MSCI Frontier Market vào ngày 30/11/2023, Việt Nam chiếm 26,98% và là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số này. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng được MSCI lựa chọn để đưa vào chỉ số MSCI Frontier Market Small Cap (chỉ số dành cho các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ tại thị trường cận biên), tỷ trọng lên tới 31,26% chỉ số (Hình 2). Với tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số này, trong những năm qua, Việt Nam cũng đã thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư chỉ số và các quỹ ETF.

Cũng trong kỳ rà soát chỉ số được báo cáo ngày 15/11/2023, có 6 mã cổ phiếu của Việt nam được thêm vào rổ chỉ số MSCI Fontier Market Index và không có mã cổ phiếu nào bị loại khỏi danh sách này. Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong chỉ số tính đến ngày 30/11/2023 có 4 mã cổ phiếu tới từ Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM), Công ty CP Tập đoàn Vingroup (VIC) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Mặc dù TTCK Việt Nam thuộc nhóm thị trường cận biên nhưng quy mô thị trường cũng như tính thanh khoản cao hơn so với một số thị trường mới nổi khác trên thế giới (Bảng 2). Về giá trị vốn hóa thị trường, Việt Nam cao hơn Chile, Qatar và Kuwait, trong khi về giá trị giao dịch bình quân thì xếp thứ 7/13 trên bảng so sánh với 12 thị trường mới nổi khác, cao hơn cả Indonesia, và gần gấp đôi Malaysia.

Với năng lực hiện tại của TTCK Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều nhận thấy cơ hội cũng như tiềm năng để TTCK Việt Nam có thể nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi.

Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

TTCK Việt Nam được gì khi nâng hạng thành công?

Khi một TTCK nâng hạng thành công từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm dòng vốn lớn có tính ổn định cao từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế. Dòng vốn lớn đổ vào thị trường, tập trung vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao sẽ kéo theo những sự quan tâm từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Điều này tạo động lực lớn cho sự phát triển của TTCK trong nước.

Nhìn từ một số TTCK quốc tế khi nâng hạng thị trường thành công như Pakistan năm 2009, chỉ số Karachi đã tăng 300%, đứng đầu thế giới về hiệu suất thị trường khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo một nghiên cứu của Viện CFA, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, các chỉ số chính đều tăng trung bình 23,2% kể từ ngày công bố đến ngày có hiệu lực. Ước tính của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy việc nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi có thể mang lại cho Việt Nam thêm 10 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp. Đặc biệt, chỉ riêng năm đầu tiên sẽ có thêm 2-5 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tisco Advisory (Thái Lan), TTCK Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến sẽ thu hút dòng vốn ngoài trị giá 4 tỷ USD vào năm 2024. Nếu nâng hạng thành công, Việt Nam được kỳ vọng sẽ có tỷ trọng khoảng 1% trong chỉ số FTSE Emerging Market Index và sẽ thu hút đầu tư từ các quỹ thụ động nước ngoài lên tới 800 triệu USD, gấp 5 lần khoản đầu tư từ các quỹ nước ngoài chủ động. Nếu Việt Nam có thể nâng hạng thành công trong năm 2024, vốn hóa thị trường có thể tăng tới 30% trong năm đó.

Việc nâng hạng thị trường cũng tạo cơ hội cho TTCK Việt Nam thu hút đầu tư từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trong số đó, tác động tức thời và đáng kế nhất phải kể đến việc mua danh mục cơ cấu của các quỹ ETF có sử dụng chỉ số chuẩn là nhóm chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.

Ngoài ra, việc đáp ứng và duy trì các tiêu chí của thị trường mới nổi sẽ giúp TTCK cải thiện các điều kiện trong hoạt động giao dịch, cung cấp thông tin, minh bạch thông tin trên thị trường. Với những hạn chế còn tồn tại, dưới sự tư vấn hỗ trợ của các tổ chức xếp hạng sẽ giúp các cơ quan quản lý khắc phục hạn chế, từ đó phát huy hiệu quả hoạt động của thị trường.

Mức độ đáp ứng điều kiện nâng hạng của TTCK Việt Nam ra sao?

Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên, riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hai tổ chức này có những tiêu chí xếp hạng riêng. Theo đó, FTSE Russell được đánh giá là đưa ra ít tiêu chí hơn và cá tiêu chí cũng dễ để đáp ứng hơn so với MSCI.

Theo báo cáo của FTSE Russell tháng 9/2023 về thị trường Việt Nam, Việt Nam hiện đang được xếp trong danh sách có thể được xếp loại thị trường mới nổi lần đầu của FTSE Russell do vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để chính thức trở thành thị trường mới nổi. Tính cho tới kỳ xem xét tháng 9/2023, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để được nâng hạng của FTSE Russell. Cụ thể, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí về ký quỹ trước giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định tại Thông tư 120/2020/TT – BTC, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện giao dịch chỉ được đặt lệnh mua hoặc bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền hoặc chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện giao dịch ký quỹ. Yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ 100% tại thời điểm đặt lệnh giao dịch được cho là không phù hợp với thông lệ ở hầu hết các TTCK thế giới, cũng được xem là đối xử không công bằng với họ khi nhà đầu tư trong nước được sử dụng dịch vụ này.

Hạn chế thứ hai là giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài (thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Việc quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 51% tại nhiều ngành nghề kinh doanh được cho là chưa tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi mà nhiều chứng khoán đã hoặc sắp đến giới hạn sở hữu nước ngoài. Thêm vào đó, Việt Nam cần cải thiện quy trình đăng ký mở tài khoản giao dịch mới cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của FTSE Russell, có thể thấy Việt Nam đáp ứng khá tốt các tiêu chí nâng hạng thị trường của FTSE Russell, mặc dù tiến độ cải cách thị trường theo kế hoạch chọn chậm. Cơ quan quản lý thị trường đã đưa ra cam kết thực hiện các giải pháp cần thiết để đảm bảo đạt được mục tiêu nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 3/2024. Thực tế, Việt Nam đã được đưa vào danh sách xem xét này từ tháng 9/2018, tuy nhiên do không đáp ứng đủ các tiêu chí mà FTSE Russell đưa ra nên đã nhiều lần bị cân nhắc loại ra khỏi danh sách theo dõi này. Lần gần nhất là tháng 3/2023, FTSE Russell đã cân nhắc loại bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách này nếu không có lộ trình cải cách thị trường trước tháng 9/2023.

Trong đợt rà soát gần nhất của MSCI vào tháng 6/2023, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 8/17 tiêu chí nâng hạng của tổ chức này và không được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Kết luận này dựa trên việc không đáp ứng 9 tiêu chí bao gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài, “room” khối ngoại, quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do của thị trường ngoại hối, đăng ký nhà đầu tư và mở tài khoản, quy định thị trường, luồng thông tin, thanh toán bù trừ, khả năng chuyển nhượng. 9 tiêu chí này cũng đã được đề cập trong báo cáo tháng 6/2021 và tháng 6/2022. Trong liên tiếp 3 kỳ đánh giá của 2 năm, Việt Nam chưa có bất cứ sự cải thiện nào trong các tiêu chí mà MSCI đưa ra.

Điểm chung mà FTSE Russell và MSCI đều đưa vào tiêu chí yêu cầu Việt Nam cần cải thiện đó là vấn đề minh bạch thông tin thể hiện thông qua tiêu chí “Quyền bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài”, “Luồng thông tin – cung cấp chi tiết và đầy đủ bằng các thứ tiếng khác nhau” và “Đối xử công bằng với các cổ đông thiểu số”. Theo đánh giá của 2 tổ chức này, các thông tin công bố trên TTCK Việt Nam được xem là đầy đủ để nhà đầu tư ra quyết định nhưng lại thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết, ảnh hưởng tới quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, các vi phạm quy định công bố thông tin trên thị trường cũng như vấn đề giao dịch theo tin đồn còn nhiều, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp vấn đề bất cân xứng thông tin trong giao dịch.

Một số giải pháp nhằm nâng hạng thị trường trong năm 2024

Từ những phân tích nêu trên có thể thấy thách thức đặt ra cho TTCK Việt Nam trong năm 2024 là không nhỏ.

Đây được xem là năm cuối cùng để hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra “nâng hạng thị trường thành công trước năm 2025”. Với kết quả lần đánh giá cuối cùng vào tháng 9/2023, Việt Nam hiện đang còn 2 cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo xếp hạng của FTSE Russell trong kỳ rà soát chỉ số tháng 3/2024 và tháng 9/2024.

Đối với các tiêu chí mà MSCI đưa ra, để trở lại danh sách xem xét nâng hạng vào tháng 6/2024, Việt Nam cần nỗ lực thể hiện sự quyết tâm của mình khi đáp ứng được thêm các tiêu chí mà MSCI đưa ra thay vì 9/17 tiêu chí như hiện nay. Do vậy, vấn đề đặt ra trước mắt là các cơ quan quản lý bao gồm Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan để giải quyết những hạn chế còn đang tồn tại trong tiêu chí của FTSE Russell và nỗ lực để cải thiện dần các tiêu chí của MSCI. Cụ thể, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với vấn đề về chu kỳ quyết toán hay nói cách khác là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch khi tài khoản chưa đủ tiền ký quỹ tại ngày T+0 (prefunding). Vấn đề này xuất phát từ thông lệ tại các thị trường quốc tế, nhà đầu tư không bị yêu cầu đáp ứng toàn bộ số dư tiền/chứng khoán tại thời điểm giao dịch mà chỉ cần đảm bảo thanh toán giao dịch T+2 đồng thời sử dụng thêm những công cụ quản lý rủi ro khác. Các công cụ hỗ trợ có thể là thanh toán một phần, vay hoặc cho vay chứng khoán, mô hình đối tác bù trừ trung tâm, quỹ thanh toán và quỹ dự phòng, sử dụng tài sản đảm bảo nhằm giảm thiểu rủi ro thanh toán mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đóng vai trò quan trọng, đây cũng là mục tiêu phát triển thị trường được đưa ra trong Nghị quyết 86/NQ-CP ban hành ngày 11/7/2022
Nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đóng vai trò quan trọng, đây cũng là mục tiêu phát triển thị trường được đưa ra trong Nghị quyết 86/NQ-CP ban hành ngày 11/7/2022

Giải pháp hiện nay cơ quan quản lý đang đề xuất sự phối hợp từ phía Ngân hàng Nhà nước để xây dựng và vận hành cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP (Central Clearing Counterparty), đây sẽ là giải pháp lâu dài để giải quyết được vấn đề prefunding và kiểm soát rủi ro về thanh toán trong trường hợp giao dịch thất bại. Tuy nhiên, cơ chế này chưa thể triển khai nhanh chóng trong thời gian ngắn. Do đó, các giải pháp ngắn hạn hơn có thể được cân nhắc bao gồm:

Một là, các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán có thể hợp tác trong hoạt động cấp tỷ lệ ký quỹ cho khách hàng trên cơ sở tài sản đảm bảo được quản lý tại ngân hàng, lúc này ngân hàng sẽ đóng vai trò là ngân hàng lưu ký. Trên cơ sở tài sản đảm bảo này, ngân hàng lưu ký và công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản sẽ có sự thống nhất về việc cấp tỷ lệ ký quỹ nhất định cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện giao dịch tại ngày T+0.

Hai là, các công ty chứng khoán có thể thực hiện thẩm định hồ sơ khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài, dựa trên giá trị tài sản khách hàng đang có để cấp tỷ lệ ký quỹ nhất định cho khách hàng, hình thức này được các chuyên gia đề cập giống với hoạt động cho vay theo dòng tiền mà không cần tài sản đảm bảo của các ngân hàng hiện nay đang thực hiện. Để thực hiện theo phương án này, chính các công ty chứng khoán phải có biện pháp kiểm soát rủi ro tốt.

Trên thực tế, các công ty chứng khoán hiện nay đã có đủ khả năng và chủ động cung cấp dịch vụ prefunding đối với từng đối tượng khách hàng theo nhiều cách. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, hoạt động này chưa được cấp phép. Do đó, vấn đề hiện nay đang vướng ở các quy định về thẩm quyền quyết định các vấn đề ký quỹ cho từng giao dịch chưa được cấp phép cho các công ty chứng khoán. Họ cần được tự quyết định nhóm khách hàng yêu cầu ký quỹ và mức tỷ lệ ký quỹ tương ứng với từng nhóm khách hàng. Đồng thời, công ty chứng khoán sẽ tự đảm bảo quản trị rủi ro thông qua cơ chế xử lý tài sản khi có giao dịch thất bại (các loại chứng khoán, tài sản thế chấp,…).

Do vậy, Bộ Tài chính cần cân nhắc điều chỉnh một số quy định, cấp thêm quyền hạn cho các công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ prefunding trong thời gian sớm nhất. Giai đoạn đầu có thể lựa chọn các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn, tiềm lực tài chính mạnh trên thị trường để thí điểm triển khai và đánh giá hiệu quả của phương án.

Thứ hai, đối với vấn đề về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một số ngành nghề hiện đang bị giới hạn. Do đặc thù một số ngành nghề trong nền kinh tế mang tính trọng yếu, Nhà nước vẫn phải nắm giữ tỷ lệ sở hữu mang tính chi phối và hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, vấn đề nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết cần được tính toán kỹ lưỡng. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát các ngành nghề trọng yếu trong xã hội mà Nhà nước bắt buộc phải chi phối, giữ nguyên tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức cao để đảm bảo an toàn an ninh kinh tế. Đối với những ngành nghề còn lại, có thể thực hiện tư nhân hóa hoàn toàn. Khi đã thực hiện tư nhân hóa thì cần có sự đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể đề xuất một số ngành không mang tính trọng yếu, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 70% thay vì 51% như hiện nay.

Thứ ba, đối với vấn đề về công bố thông tin bằng tiếng Anh. Hiện nay quy định về công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết không phải là bắt buộc, mặc dù 100% doanh nghiệp trong chỉ số VN30 đã công bố thông tin bằng tiếng Anh, tuy nhiên vẫn nên có quy định mang tính bắt buộc đối với các chủ thể phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Với quy mô TTCK như hiện nay, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngày càng lớn, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cần được thực hiện sớm để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện có thể chia theo nhiều giai đoạn để đảm bảo các doanh nghiệp chuẩn bị được tốt nhất. Trong giai đoạn đầu tiên sẽ thực hiện với các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn hoặc các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, tiếp theo đó là các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và cuối cùng là UPCoM. Đây nên được xem xét trở thành một trong những điều kiện duy trì hoạt động niêm yết trên các Sở Giao dịch chứng khoán. Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết, cơ quan quản lý cũng cần thực hiện bổ sung thêm chuyên trang thông tin bằng tiếng Anh trên website của mình để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận được những thông tin chính thống và đầy đủ nhất.

Thứ tư, bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động công bố thông tin tự nguyện (các thông tin không nằm trong danh mục bắt buộc công bố). Doanh nghiệp niêm yết cần đảm bảo tính chính xác của thông tin và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố. Có thể áp dụng cơ chế tăng điểm đánh giá về tính công khai minh bạch của thông tin hoặc điểm đánh giá quản trị công ty.

Thứ năm, hệ thống giao dịch mới được đánh giá sẽ tạo cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc prefunding. Thêm vào đó hệ thống này sẽ giúp hoạt động giao dịch trên TTCK Việt Nam tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế, đảm bảo sự minh bạch trong giao dịch cho các nhà đầu tư. Do đó, việc sớm “go – live” hệ thống này sẽ hỗ trợ cho hoạt động nâng hạng của thị trường trong thời gian tới.

Thứ sáu, nâng hạng thị trường không phải lúc nào cũng tích cực, một số thị trường sau khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi nhưng sau đó vốn hóa thị trường lại bị thu hẹp do xu thế giảm của thị trường. Khi không đáp ứng được điều kiện về giá trị vốn hóa, các nước này sẽ bị hạ thứ bậc trở lại thị trường cận biên. Bởi vậy, tăng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam là một trong những giải pháp cần được thực hiện trong thời gian tới. Khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, đẩy nhanh hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đưa các công ty, Tổng công ty lên sàn niêm yết sẽ giúp cải thiện giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Có thể thấy, nhiệm vụ nâng hạng TTCK trước năm 2025 là một trong những mục tiêu trọng yếu của ngành chứng khoán trong năm 2024. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu sự hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành liên quan phối hợp với UBCKNN nhằm sớm đạt được kết quả tốt. Nếu Việt Nam nâng hạng thành công trong nửa đầu năm 2024, cùng với việc triển khai hệ thống giao dịch mới sẽ là cú hích lớn cho TTCK trong năm tới.

Bộ Tài chính siết chặt quản lý, lành mạnh hóa thị trường

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV của Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 19/1, lãnh đạo và đại diện Bộ Tài chính ...

MSVN hé lộ thời điểm nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam

Chứng khoán Maybank cho rằng, trong kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam có thể được chính thức nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng ...

Tâm điểm đầu tư năm 2024 gọi tên cổ phiếu chứng khoán?

Quý 4/2023, thống kê từ FiinTrade cho thấy, 39/91 ngân hàng và công ty thuộc ngành Tài chính, chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng ...

TS. Dương Ngân Hà - Học viện Ngân hàng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục