Giải bài toán khơi thông dòng vốn phát triển nhà ở xã hội

(Banker.vn) Theo chuyên gia, cần phải công bố một đề án cho vay nhà ở xã hội một cách chi tiết, thậm chí là phải phối hợp với các địa phương để khơi thông dòng vốn.
Chính sách thay đổi từ 1/8, người thu nhập thấp liệu có hiện thực hóa ‘giấc mơ’ mua nhà ở xã hội? VARS: Muốn mua nhà ở xã hội, hãy sinh đủ hai con

Chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhưng trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Nhiều địa phương cả doanh nghiệp, người thu nhập thấp và cơ quan quản lý nhà nước đều mong muốn chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Chính phủ nhanh chóng được triển khai. Trong đó, sự hỗ trợ để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi là quan trọng hơn cả. Mặc dù vậy, do chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về đối tượng được thụ hưởng cũng như thủ tục cần thiết để được vay vốn nên ở một số địa phương tình trạng chung của các bên liên quan vẫn là nghe ngóng, đợi chờ.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho thị trường bất động sản nói chung cũng như triển khai các chính sách về cho vay nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng tỷ lệ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng đên nay vẫn còn thấp. Và bài toán đặt ra là làm thế nào để khơi thông dòng vốn vay đó để phát triển nhà ở xã hội?

Giải bài toán khơi thông dòng vốn phát triển nhà ở xã hội
Theo chuyên gia, cần phải công bố một đề án cho vay nhà ở xã hội một cách chi tiết, thậm chí là phải phối hợp với các địa phương để công bố loại nhà ở này... (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan quản lý cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh việc nhà đầu tư, người mua nhà ở xã hội đủ điều kiện, có nhu cầu sớm được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra, cần xem xét chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội...

Để giải bài toán “tắc nghẽn” trong việc tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nhà ở xã hội, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định: “Tôi cho rằng chính sách phát triển nhà ở xã hội là rất đúng đắn và nhân văn. Tuy nhiên, cách triển khai của chúng ta tôi cho rằng đang bị vướng trong khoản vay vốn. Tôi nghĩ ở đây cần phải xác định rõ, minh bạch hóa cơ chế cho vay, cơ chế thu hồi nợ và cơ chế để bảo bảo lãnh, bảo đảm cho khoản vay đó”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, cần có sự vào cuộc trực tiếp của những cơ quan có trách nhiệm trong việc đưa ra các quyết định về cho vay. “Do quy định của mình thiếu mạch lạc, tường tận, cho nên người đi vay cũng không biết là cái khoản này nằm ở đâu và người cho vay thì cũng không biết là sau này mình không thu hồi được thì lấy ở đâu, tôi nghĩ là cả hai bên đang thiếu thông tin. Do đó chúng ta cần phải có hệ thống thông tin một cách mạch lạc là khoản này lấy ở đâu, cho vay thế nào và cái khoản này nếu rủi ro thì ai chịu trách nhiệm. Lúc đó tôi cho rằng là các cái khoản vay này sẽ khai thông được và chắc chắn chính sách của Chính phủ sẽ “thấm” sâu vào cuộc sống”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích.

Giải bài toán khơi thông dòng vốn phát triển nhà ở xã hội
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. Ảnh: Khôi Nguyên

Ông Lạng cũng cho rằng, ở đây Ngân hàng Nhà nước có rất vai trò quan trọng, bởi vì cơ quan này là đơn vị đứng ra để thực hiện chính sách một cách trực tiếp thông qua hệ thống các ngân hàng. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa và đồng thời cần phải công bố một đề án cho vay nhà ở xã hội một cách chi tiết, thậm chí là phải phối hợp với các địa phương để công bố với loại nhà ở này ở từng địa phương, với từng dự án cụ thể và thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc, có trách nhiệm giải trình một cách cụ thể.

Chúng ta cần chỉ ra kịch bản tốt nhất, kịch bản trung bình và kịch bản xấu nhất, bởi vì Ngân hàng Nhà nước không thể cảnh báo hết tất cả rủi ro được. Tôi nghĩ là cần phải chia sẻ thế nào, thông tin thế nào, cần phải chia sẻ trách nhiệm thế nào và Ngân hàng Nhà nước là đầu mối đặc biệt quan trọng trong việc để xử lý vấn đề này”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích.

Ngọc Tiến

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục