Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang thị trường Trung Quốc giảm trở lại

(Banker.vn) Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc giảm trở lại sau 5 tháng tăng liên tiếp.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam Mặt hàng nào Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới trong tháng 8?

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90,52% về lượng và chiếm 89,4% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước.

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn giảm tháng thứ 5 liên tiếp
Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang thị trường Trung Quốc giảm trở lại

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,69 triệu tấn, trị giá 687,24 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm trở lại sau 5 tháng tăng liên tiếp. Cụ thể, tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 462 USD/ tấn, giảm 5,7% so với tháng 7/2023 và giảm 1,5% so với tháng 8/2022.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 406,5 USD/tấn.

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 88,3% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước; trong khi lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 91,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc tiếp tục giảm; trong khi xuất khẩu sắn lát vẫn trong xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thị trường trong nước, hiện có nhiều nhà máy tinh bột sắn lớn đi vào hoạt động trở lại khiến giá sắn tươi tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục được đẩy tăng lên. Giá thu mua sắn tươi tại Gia Lai được đẩy tăng lên mức 4.000 đồng/kg.

Do giá tinh bột sắn xuất khẩu biên mậu tăng nên nhiều doanh nghiệp tạm thời chỉ trả hàng các hợp đồng đã ký trước đó.

Tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, hàng loạt diện tích sắn trên địa bàn tỉnh bị bệnh khảm lá gây hại, trong đó nhiều ruộng sắn nhiễm bệnh khá nặng.

Năm 2023, nông dân cả tỉnh sản xuất tổng cộng 5.656 ha sắn các loại. Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay bệnh khảm lá xuất hiện và gây hại trên 2 giống sắn PLT01, KM94 ở các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức với diện tích 874 ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam, tỷ lệ bệnh khảm lá gây hại trên cây sắn trung bình từ 20 - 40%, nơi cao 50 - 70%, cục bộ nhiều ruộng sắn có 100% cây bị bệnh.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ các nhà nhập khẩu vẫn cao do các nước tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, nguồn cung suy giảm trong bối cảnh diện tích một số tỉnh trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, ảnh hưởng đến năng suất sắn vụ mới năm 2023, nên xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam sẽ khó tăng mạnh.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương