Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 1.500 USD/tấn trong 8 tháng Giá tiêu hôm nay 30/9/2024: Xuất khẩu hồ tiêu của Brazil giảm mạnh |
Xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng đạt trên 1 tỷ USD
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 20.000 tấn hồ tiêu, thu về 125 triệu USD, tăng 10,4% về lượng nhưng giá trị tăng vọt 84,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu hồ tiêu tháng 9 đạt mức kỷ lục 6.2339 USD/tấn. Ảnh: N.H |
Luỹ kế đến hết tháng 9, xuất khẩu hồ tiêu đạt 203.000 tấn, thu về hơn 1 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 46,9% về giá trị. Nguyên nhân là bởi, giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh 49,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 4.941 USD/tấn.
Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua, giá trung bình mặt hàng “vàng đen” xuất khẩu đạt 6.239 USD/tấn, tăng 67,5% so với tháng cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là tháng ghi nhận mức giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo của Nedspice, xuất khẩu hồ tiêu chế biến của Việt Nam tăng hơn 50% so với năm ngoái. Trong đó, hồ tiêu đen nguyên hạt xuất khẩu tăng nhẹ do thiếu vắng các nhà cung cấp Trung Quốc trên thị trường. Qua đó, khiến mặt bằng giá cao hơn thúc đẩy tái canh và thâm canh nhiều hơn. Theo nhận định, vụ mùa năm 2025 sản lượng sẽ tăng nhẹ.
Như vậy, cách đây đúng một thập kỷ (năm 2014), xuất khẩu hồ tiêu chính thức trở thành nông sản tỷ USD của Việt Nam khi đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD. Năm 2015, giá hồ tiêu đạt đỉnh lịch sử khi chạm mốc 230 triệu đồng/tấn, tương đương với 6,5 lượng vàng cùng thời điểm đó.
Tuy nhiên, việc nông dân ở nhiều tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, kể cả ở những nơi không phù hợp với loại cây này khiến sản lượng tăng mạnh, cung vượt cầu dẫn tới giá liên tục giảm mạnh. Có thời điểm, giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, nông dân thua lỗ nặng, thu hẹp đáng kể diện tích hoặc chuyển sang cây trồng khác.
Giá hồ tiêu giảm không ngừng, vị thế ngành hàng tỷ USD của hồ tiêu cũng chỉ duy trì được 4 năm (từ 2014-2017). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu chỉ đạt 759 triệu USD.
Dự báo giá hồ tiêu vẫn được hỗ trợ trong dài hạn
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.800 USD/tấn với loại 500g/l; loại 550g/l ở mức 7.100 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 10.150 USD/tấn. Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu tại một số vùng trồng trọng điểm phổ biến ở mức từ 147.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Brazil và Indonesia đang vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu thế giới không tăng mạnh, cùng với việc Trung Quốc không mua nhiều dẫn đến giá chỉ có khả năng tăng nhẹ.
Tuy nhiên, về dài hạn, giá hồ tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Vụ hồ tiêu năm 2025 tại Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu ngày càng khó khăn.
Cục Xuất nhập khẩu cũng dự báo, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hồ tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 vào khoảng 40.000 - 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch), cho thấy nguồn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch.
Trong khi đó, Nedspice lại cho rằng, xuất khẩu hồ tiêu trong quý IV/2024 của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi việc bán ra hàng tồn kho từ những năm trước, cùng với việc nhập khẩu thêm hồ tiêu mới. Mặt khác, do mùa thu hoạch cà phê sắp đến, các nhà buôn Việt Nam đang bán hết hồ tiêu tồn kho để chuyển sang kinh doanh cà phê. Trong khi đó, tại Brazil, thiệt hại mùa màng và giá cả leo thang đã làm tăng hoạt động đầu cơ.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA - nhận định, trong 3 - 5 năm tới, sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Người bán đang mong muốn thiết lập sự liên kết ngành hồ tiêu Việt Nam để tránh tình trạng đơn hàng ồ ạt trên thị trường và kiểm soát giá.
“Hồ tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài 10-15 năm và giá có thể đạt đỉnh 350.000-400.000 đồng/kg”, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) - nhận định và cho hay, giá hồ tiêu đang bước vào chu kỳ tăng giá mới sau nhiều năm “nằm đáy”.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino vào đầu năm đã tục tác động đến việc canh tác sản xuất và duy trì vườn tiêu của người nông dân. Tiếp sau đó là hiện tượng La Nina càng làm cho tâm lý người nông dân thêm xao động, nhất là trong thời điểm hiện tại giá sầu riêng và cà phê đang ở mức cao nên vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái canh hồ tiêu ồ ạt. Đợt khảo sát đánh giá hiện trạng 3 tỉnh Tây Nguyên mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị cho thấy, việc duy trì và sản xuất hồ tiêu của người nông dân ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có ghi nhận nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều. Đáng chú ý, ngay sau thời điểm vụ thu hoạch 2024 một đợt nắng hạn kéo dài gần 100 ngày đã làm nhiều vườn tiêu già cỗi tiếp tục bị suy thoái thêm. Tiếp theo, những cơn mưa nặng hạt vào tuần thứ 3 của tháng 5 tại các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã giúp giải hạn cho các vườn tiêu sau nhiều ngày bị nắng hạn. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn đã khiến cho một số vườn tiêu bị ngập úng nguy cơ bị nhiễm bệnh và dân đang cố gắng chăm bón để phòng bệnh chết nhanh. Tình trạng mưa nhiều cũng diễn ra vào giữa tháng 7 tại Đắk Lắk và Bình Phước làm cho các vườn tiêu dễ rụng trái, thiếu dinh dưỡng, bị vàng lá, ngập úng, nhiễm sâu bệnh hại… |