Giá xuất khẩu clinker và xi măng đang sụt giảm

(Banker.vn) Xuất khẩu xi măng và clinker đang sụt giảm cả về giá xuất khẩu cũng như sản lượng.
Năm 2024: Ngành xi măng kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại “đường băng” tăng trưởng Tiêu thụ xi măng: Đề xuất ưu tiên thị trường nội địa

Theo Bộ Xây dựng, trong vòng 10 năm qua, sản lượng xuất khẩu xi măng, clinker có tăng lên, tuy nhiên từ 2022 đến nay, xuất khẩu giảm mạnh, chỉ còn 15,2 triệu tấn (bằng 52,9% năm 2021) và tiếp tục giảm còn 10,9 triệu tấn năm 2023 (bằng 71,7% năm 2022).

Xi măng là mặt hàng thường xuyên bị điều tra PVTM. Ảnh Danh Lam/TTXVN
Để vượt qua khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp ngành xi măng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Ước tính, hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng clinker xuất khẩu chỉ đạt 5,4 triệu tấn. Tình hình sụt giảm xuất khẩu clinker như vậy là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay: "Giá FOB xuất khẩu trung bình với clinker và xi măng năm 2022 lần lượt là 46-48 USD/tấn và 51-53 USD/tấn thì ở thời điểm tháng 5/2024 đã tụt xuống chỉ còn 31-32 USD/tấn đối với clinker và 38-48 USD/tấn đối với xi măng. Riêng xi măng rời khoảng 36-37 USD/tấn".

Sở dĩ, sản lượng xuất khẩu tiếp tục giảm là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc, chưa kể, giá xuất khẩu cũng theo chiều giảm nhẹ, tiếp đà giảm của năm trước. Ngoài ra, thị trường Phillipiness vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá) với xi măng nhập từ Việt Nam.

Lũy kế cả năm 2023, toàn ngành xi măng xuất khẩu hơn 31,3 triệu tấn clinker và xi măng, tương đương hơn 1,32 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng, và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi...

Ở trong nước, chính sách thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% cũng là nguyên nhân làm xuất khẩu thêm hẹp đường.

Xu hướng giá xuất khẩu thấp vẫn duy trì, cộng với tiêu thụ nội địa khó khăn, giá bán cũng khó tăng, nên 2024 sẽ là năm trầy trật với các doanh nghiệp sản xuất.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với clinker nhằm giảm bớt khó khăn. Trước mắt khi chưa bãi bỏ thì giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu 5% với clinker.

Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng diễn ra mới đây, để gỡ khó cho ngành xi măng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, về chính sách xuất nhập khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng phải bảo hộ sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu, bảo đảm cạnh tranh của thị trường; có cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu…

Về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xi-măng, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi-măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới.

Về sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh cần đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây dựng phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu khác nhau, đáp ứng như cầu thị trường. Rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, điện, dầu, khí đốt; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh một cách sáng tạo; đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải từ các ngành khác để hạ chi phí sản xuất; kết hợp giải pháp đồng xử lý rác thải công nghiệp, sinh hoạt để bảo vệ môi trường.

Về công tác quản trị và thị trường: Tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước thông qua triển khai tại các dự án lớn, dự án đầu tư công, công trình xây dựng thủy lợi, phòng chống thiên tai,… cũng như các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở đô thị và nông thôn. Rà soát lại hệ thống đại lý bán hàng; cắt giảm các bộ phận, các khâu trung gian từ nhà máy sản xuất tới khách hàng tiêu thụ sản phẩm; rà soát tiết giảm các chi phí bán hàng phù hợp; tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng; các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi-măng, không hạ giá bán dưới giá thành sản phẩm và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp ngành xi măng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đơn cử như tăng cường sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, sử dụng bùn thải thay thế sét, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên; nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo; triển khai thủ tục được cấp chứng chỉ sản phẩm xanh để xuất khẩu vào thị trường khó tính....

Duy Anh

Theo: Báo Công Thương