Giá xuất khẩu cà phê Arabica quay về mức thấp nhất 7 tuần qua

(Banker.vn) Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch ngày 17/1, giá cà phê Arabica quay về mức thấp nhất trong hơn một tháng sau khi giảm 3,27%.
Khan hiếm nguồn cung, giá xuất khẩu cà phê diễn biến trái chiều Giá xuất khẩu cà phê Robusta quay về vùng giá cao nhất 28 năm

Thị trường phản ứng với số liệu xuất khẩu tháng 12/2023 của Brazil và gây sức ép lên giá. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết trong tháng 12, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 4,12 triệu bao cà phê, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 3,26 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 15% so với tháng 12/2022.

Giá xuất khẩu cà phê Arabica quay về mức thấp nhất 7 tuần qua

Giá cà phê Arabica quay về mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng

Trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Brazil được dự báo tăng 3,7 triệu bao, lên 66,3 triệu bao. Chủ yếu là do sản lượng cà phê Arabica tăng 5,1 triệu bao lên 44,9 triệu bao. Mặc dù ​​vậy, sản lượng cà phê Arabica của Brazil vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh gần 50 triệu bao của các niên vụ được mùa trước đó.

Bên cạnh đó, Chỉ số Dollar Index tăng khi thị trường giảm đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nên đã thúc đẩy tỷ giá USD/BrL mạnh lên. Chênh lệch tỷ giá cao giúp kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Giá Robusta quay đầu giảm nhẹ 0,44% do áp lực từ điều chỉnh kỹ thuật. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn ở vùng cao nhất 16 năm khi lo ngại về vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ vẫn còn dai dẳng.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (18/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng khoảng 400 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 72.200 - 72.800 đồng/kg.

Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam - nhận định, chất lượng cà phê của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều nhờ người nông dân chuyển đổi phương thức canh tác sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất cà phê đặc sản, chế biến sâu.

“Các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê”, ông nói. Thực tế cho thấy, trong năm vừa qua các doanh nghiệp ở nước ta gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.

Theo chuyên gia ngành hàng cà phê, chất lượng Robusta của Việt Nam đang được nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trên thế giới đánh giá cao. Nếu tập trung hơn nữa vào chế biến sau thu hoạch, cà phê Việt sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Giá xuất khẩu cà phê Arabica quay về mức thấp nhất 7 tuần qua
Ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ tăng, có thể lập đỉnh do lo thiếu hụt nguồn cung

Nhiều dự báo cho thấy giá cà phê Robusta sẽ biến động theo xu hướng tăng do lo ngại cước phí vận tải biển tăng cao và yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê của Brazil. Tồn kho Robusta giảm nhanh. Nhiều nhà kinh doanh xuất nhập khẩu Robusta đang chạy đôn chạy đáo vì thiếu loại hạt này để giao hay lo sợ trễ lịch giao hàng ảnh hưởng uy tín.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt 171,4 triệu bao, trong khi tiêu thụ ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao. Tồn kho cà phê thế giới dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua là 26,5 triệu bao.

Dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ tăng, có thể lập đỉnh do lo thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài ra, Robusta còn có sự hỗ trợ từ nguồn cung Việt Nam, khi nhà sản xuất hàng đầu ít tham gia vào các cuộc đàm phán kinh doanh trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền khá dài sắp tới.

Theo các chuyên gia, phân tích dữ liệu Báo cáo thị trường tháng 11/2023 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, nhu cầu cà phê toàn cầu khoảng 10,4 triệu tấn trong niên vụ 2022/2023, phần lớn được bù đắp từ tồn kho vụ cũ mang sang. Do vậy sự gián đoạn nguồn cung bất kỳ sẽ khiến giá cà phê tăng vọt là điều không thể tránh khỏi.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, năm 2023, tổng sản lượng cà phê của nước ta đạt trên 1,97 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so với năm 2022. Theo đó, nước ta xuất khẩu 1,62 triệu tấn cà phê các loại, thu về 4,24 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.

Năm nay, sản lượng cà phê dự báo giảm xuống mức 1,66 triệu tấn, vụ mùa thấp nhất trong 4 năm, do thời tiết không thuận lợi. Song, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong năm 2024 kỳ vọng đạt 5 tỷ USD nhờ giá neo ở mức cao.

Nước ta đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng sức cung ứng cà phê không đủ mạnh như những năm trước. Người dân có xu hướng hạn chế bán để chờ giá lên, đẩy giá cà phê nội địa tăng liên tục.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương