Giá xăng dầu hôm nay 7/7/2023: Tiếp tục leo dốc, thị trường trong nước sẽ ra sao?

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 5h20 ngày 7/7 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới nối dài mạch tăng do lo ngại nguồn cung thu hẹp. Giá dầu Brent tăng vượt mức 76 USD/thùng, WTI đang thu hẹp khoảng cách giá với Brent.

Giá xăng dầu hôm nay 5/7/2023: Thế giới tăng, trong nước giảm

Giá xăng dầu hôm nay 6/7/2023: Sắc xanh bao trùm

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc đầu giờ sáng ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 76,74 USD/thùng, tăng 0,09 USD. Giá dầu WTI ở mức 71,98 USD/thùng, tăng 0,19 USD. Trong khi phiên trước đó, giá xăng dầu tăng do lo ngại nguồn cung thắt chặt. Với mức tăng trên, cả hai mặt hàng dầu chuẩn thế giới đã đạt mức cao nhất trong gần hai tuần.

Giá xăng dầu hôm nay 7/7/2023: Tiếp tục leo dốc, thị trường trong nước sẽ ra sao?

Giá dầu đã nhanh chóng leo dốc sau quyết định ngày 3/7 của Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Nga và Algeria. Theo đó, Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8.

Cũng trong tháng này, Nga và Algeria hạ mức sản lượng và xuất khẩu lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày. Theo giới phân tích, giá dầu tiếp tục đi lên do lo ngại nguồn cung thu hẹp.

Mới đây, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Saudi Arabia cho biết sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 8, đồng thời để ngỏ khả năng kéo dài việc cắt giảm sang những tháng sau đó. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố tình nguyện cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.

Bộ trưởng Năng lượng Algeria ngày 3/7 cho hay, nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu 20.000 thùng/ngày trong tháng 8 để hỗ trợ các nỗ lực của Saudi Arabia và Nga nhằm cân bằng và ổn định thị trường dầu mỏ. Nếu được thực hiện đầy đủ, tổng sản lượng dầu cắt giảm của các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) trong tháng 8 sẽ lên tới hơn 5 triệu thùng/ngày, tương đương 5% sản lượng dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay trước khi có thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia, Nga và Algeria, dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho thấy, thị trường dầu mỏ có thể bị thiếu hụt nguồn cung khoảng 2 triệu thùng/ngày trong 2 quý cuối năm nay. Số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) đưa ra ngày 5/7 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 4,4 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng.

Các thương nhân cho biết, ngày 4/7 đánh dấu mùa du lịch cao điểm của Mỹ và các báo cáo về tồn kho trong tuần này có thể đóng một vai trò lớn trong việc đẩy giá dầu lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn. Trong một diễn biến khác, Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu, dự đoán thị trường sẽ dư thừa trong nửa đầu năm 2024 với nguồn cung ngoài OPEC tăng nhanh hơn nguồn cầu.

Các cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động của các nhà máy trên thế giới, phản ánh nhu cầu chậm ở Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới- và châu ÂU. Sự chú ý của thị trường đang tập trung vào lãi suất. Dự kiến các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu sẽ tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát vẫn đang ở mức cao.

Tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp niêm yết giá xăng RON 95-III ở mức 21.420 đồng/lít, mức giảm là 590 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II là 20.470 đồng/lít, giảm 400 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 10 đồng/lít, giá bán là 18.160 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 30 đồng/lít, giá bán là 17.920 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, đồng thời, không chi quỹ với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Tại cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 đạt 9,779 triệu m3/tấn (nhập khẩu chiếm 42,64%, sản xuất trong nước chiếm 52,36%) cùng với lượng tồn kho khoảng 1,577 triệu tấn/m3.

Thanh Hằng (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán