Giá xăng dầu hôm nay 5/7/2023: Thế giới tăng, trong nước giảm

(Banker.vn) Sau kỳ điều chỉnh giá xăng trong nước giảm vào 15h chiều ngày 3/7 thì kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7, giá xăng thế giới đi lên từ phiên đầu tuần do lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt.

Giá xăng hôm nay 3/7/2023: Thị trường trong nước có thể giảm nhẹ?

Giá xăng dầu hôm nay 4/7/2023: Thị trường trong nước về sát mốc 20.000 đồng/lít

Trừ mặt hàng dầu mazut, giá xăng và các mặt hàng dầu còn lại cùng giảm trong kỳ điều hành ngày 3/7. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 408 đồng/lít, về mức 20.470 đồng/lít; xăng RON95-III là 21.428 đồng/lít, giảm 587 đồng/lít. Ngoài ra, dầu diesel giảm 5 đồng, xuống mức 18.169 đồng/lít; dầu hỏa giảm 30 đồng/lít, giá mới là 17.926 đồng/lít. Trong khi đó dầu mazut tăng 36 đồng/kg, lên mức 14.623 đồng.

Giá xăng dầu hôm nay 5/7/2023: Thế giới tăng, trong nước giảm

Liên quan tới Quỹ bình ổn (BOG), liên bộ quyết định dừng trích lập đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, đồng thời dừng chi quỹ với các mặt hàng này. Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tính đến thời điểm trước điều chỉnh giá, số dư quỹ bình ổn (BOG) tại doanh nghiệp là 3.205 tỷ đồng.

Về nguyên nhân giảm giá xăng dầu, Liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/6/2023-02/7/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Sự sụt giảm sâu trong dự trữ dầu thô của Mỹ, sự gia tăng lo ngại về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Saudi Arabia cắt giảm sản lượng tự nguyện từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày, việc lo ngại tình hình chính trị ở Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ…, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu có biến động tăng, giảm nhẹ đan xen.

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Dừng trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.

Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h ngày 4/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 75,5 USD/thùng, tăng 0,09 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,69 USD/thùng, tăng 0,05 USD so với phiên liền trước. Đến 20h30 cùng ngày (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 75,72 USD/thùng, tăng 0,31 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,94 USD/thùng, tăng 0,3 USD so với phiên liền trước.

Giới phân tích nhận định, giá dầu đi lên do các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung có thể bị thắt chặt. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng rộng hơn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+). Bên cạnh đó, Mỹ đang bổ sung cho kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này. Những yếu tố này khiến nguồn cung dầu mỏ thêm eo hẹp.

Nhiều dự báo đã được đưa ra về tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay. Đáng chú ý, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nguồn cung sẽ vượt quá nhu cầu 2 triệu thùng/ngày trong phần còn lại của năm 2023. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào bởi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất

Tính đến hết tháng 6, giá dầu Brent đã giảm quý thứ tư liên tiếp còn giá dầu WTI giảm quý thứ hai. Giá dầu đi xuống trong quý II do hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều giảm tốc độ tăng trưởng.

Minh Phương (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán