Giá xăng dầu hôm nay 5/11/2022: Chờ tín hiệu tăng

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 7h ngày 5/11 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu hôm nay trên thế giới tiếp đà giảm nhẹ chủ yếu do đồng USD mạnh hơn sau khi Fed công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Giá xăng dầu hôm nay 2/11/2022: Diễn biến trái chiều trên cả hai sàn giao dịch

Giá xăng dầu hôm nay 3/11/2022: Quay đầu tăng mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 4/11/2022: Bất ngờ giảm mạnh

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 86,94 USD/thùng, giảm 0,24 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 94,49 USD/thùng, giảm 0,18 USD/thùng trong phiên. Giá dầu tiếp đà giảm nhẹ chủ yếu do đồng USD mạnh hơn sau khi Fed công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Ngân hàng trung ương các nước sẽ xem xét thực hiện một đợt tăng lãi suất mới khi mà lạm phát tại nhiều nền kinh tế vẫn ở mức cao, thậm chí có xu hướng tăng. Lãi suất tăng sẽ kéo theo các chi phí của nền kinh tế tăng và nó được đánh giá sẽ là yếu tố đẩy kinh tế toàn cầu sớm rơi vào trạng thái suy thoái.

Tại thị trường trong nước, Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng tăng hầu hết các mặt hàng. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 380 đồng/lít, giá bán ra là 21.870 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, giá bán ra là 22.750 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít, giá bán ra là 25.070 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra là 23.780 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành này, nhà điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.

Tại kỳ điều hành trước, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.

Liên quan đến diễn biến mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu. Việc này nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bộ Tài chính được đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước, đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Điều gì đang chi phối thị trường dầu khí?

Ông Stephen Brennock - nhà phân tích tại công ty kinh doanh dầu khí PVM Energy (Anh) cho biết: “Nguồn cung đang chịu ảnh hưởng bởi quyết định cắt giảm của OPEC+ và lệnh cấm nhập khẩu dầu thô sắp tới của EU”.

Hơn nữa, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh (OPEC+) đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày khỏi hạn ngạch sản xuất trong tháng 11, chỉ 1 tháng trước khi lệnh cấm vận dầu mỏ đi vào hiệu lực.

Mặt khác, về mặt nhu cầu, ông Stephen Brennock nhắc lại: “Những cơ quan năng lượng lớn đều đã hạ dự báo tiêu thụ khi chứng kiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang bao phủ thị trường dầu mỏ như một chiếc bóng, khiến giá vàng đen luôn dao động”.

Mặt khác, khí tự nhiên đã tăng trở lại. Hiện nay, giá giao dịch đạt mức 122,92 euro/MWh tại sàn TTF của Hà Lan.

Ông Ole Hvalbye thuộc tổ chức nghiên cứu Seb Research (Thụy Điển) cảnh báo: “Tuy giá đã giảm đáng kể trong hai tháng qua, thị trường khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn đang rất căng thẳng. Tình trạng đầy kho trữ đang che mắt thị trường”.

Chưa kể, tuy nhiệt độ ấm hơn bình thường đang góp phần làm giảm nhu cầu tiêu thụ, nhất là trong việc sưởi ấm, châu Âu vẫn phải chuẩn bị cho khả năng mùa đông trở lạnh hơn.

Ngoài ra, ông Ole Hvalbye đưa một cảnh báo khác: “Những căng thẳng địa chính trị liên quan đến Nga đang ở mức rất cao. Moscow có thể sẽ tấn công vào những cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine trong mùa đông”. Ông cũng đề cập đến khả năng Nga sẽ cắt luôn nguồn năng lượng hiện còn vận chuyển đến châu Âu một khi mùa đông trở lạnh hơn.

Thu Uyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán