Giá xăng dầu hôm nay 3/10/2022: Một tuần tăng giá mạnh

(Banker.vn) Sau 4 tuần giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu thế giới đã ghi nhận một tuần tăng giá mạnh trở lại trước lo ngại thị trường thắt chặt nguồn cung và nhu cầu phục hồi trở lại.

Giá xăng dầu hôm nay 30/9/2022: Thị trường "rực đỏ"

Giá xăng dầu hôm nay 1/10/2022: Lấy lại đà tăng

Giá xăng dầu hôm nay 2/10/2022: Chờ tin vui từ thị trường trong nước

Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 26/9 với xu hướng tăng mạnh khi thị trường lo ngại tình hình leo thang căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine có thể dẫn tới các quyết định cắt, giảm nguồn cung năng lượng từ Nga.

Thị trường dầu thô cũng đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi mạnh khi mùa đông khắc nghiệt đến gần và dịch Covid-19 được kiểm soát tại Trung Quốc. Giá dầu cũng được thúc đẩy bởi đồng USD yếu hơn và tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư khi giá vàng đen tụt đáy 8 tháng.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 26/9/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 79,44 USD/thùng, tăng 0,70 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 86,78 USD/thùng, tăng 0,63 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu nhanh chóng bị chặn lại và rơi vào trạng thái lao dốc khi thị trường liên tiếp ghi nhận cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm rơi vào trạng thái suy thoái và đồng USD tăng vọt.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa phát đi cảnh báo về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và sẽ rơi vào suy thoái kinh tế vào năm 2023. Cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát có thể đẩy nhiều nền kinh tế lớn vào suy thoái.

Theo đó, OECD nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ còn 3% và sẽ giảm xuống còn 2,2% vào năm 2023. Sản lượng toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ thấp hơn 2.800 tỷ USD, tương đương với quy mô nền kinh tế Pháp. Đáng lưu ý, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung euro sẽ giảm mạnh từ mức 3,1% trong năm 2022 xuống chỉ còn 0,3% trong năm 2023.

Dự báo bi quan về nền kinh tế Mỹ cũng được OECD đưa ra khi nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 là 1,5% và năm 2023 là 0,5%. Còn với Trung Quốc, OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống còn 3,2% trong năm 2022 và 4,7% cho năm 2023, giảm lần lượt 4,4% và 4,9% so với dự báo được đưa ra vào tháng 6/2022.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/9/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 76,70 USD/thùng, giảm 0,01 USD/thùng trong phiên. Nhưng nếu so với cùng thời điểm ngày 26/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2022 đã giảm tới 2,74 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 84,00 USD/thùng, giảm 0,06 USD/thùng trong phiên và đã giảm tới 2,78 USD so với cùng thời điểm ngày 26/9.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/9/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 đứng ở mức 81,66 USD/thùng, tăng 0,43 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 88,49 USD/thùng, tăng 0,29 USD/thùng trong phiên.

Mặc dù vậy, đà tăng của dầu thô đã không thể duy trì trong phiên giao dịch cuối tuần khi thông tin sản lượng khai thác của OPEC trong tháng 9/2022 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 nhờ sản lượng từ Libya phục hồi sau thời gian gián đoạn được phát đi. Các nước Vùng Vịnh cũng có kế hoạch tăng sản lượng theo thoả thuận với các nước đồng minh.

Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 79,74 USD/thùng, giảm 1,49 USD/thùng trong phiên; trong khi giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 87,97 USD/thùng, giảm 0,52 USD/thùng trong phiên.

Dù giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, những tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thế giới vẫn có tuần tăng giá nhẹ sau 4 tuần giảm giá liên tiếp trước đó.

Tại thị trường trong nước, với việc giá xăng dầu thành phần phẩm trung bình trên thị trường Singapore trong kỳ điều hành từ ngày 21/9 có xu hướng giảm, giá xăng chiều nay (3/10) được dự báo có thể giảm từ 900 – 1.000 đồng/lít.

Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 1/10 sẽ ngày Liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành mới. Tuy nhiên, do trùng với ngày nghỉ nên thời điểm công bố sẽ được chuyển sang thứ Hai, ngày 3/10.

Dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 28/9 cho thấy giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore có xu hướng giảm.

Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân trên thị trường Singapore là 73,12 USD/thùng; giá xăng RON 95 là hơn 92,32 USD/thùng, có thời điểm giảm xuống dưới 100 USD/thùng; còn giá dầu diesel là 119,26 USD/thùng.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/9, giá xăng RON 92 bình quân tại thị trường Singapore được ghi nhận là 95,296 USD/thùng; xăng RON 95 là 99,376 USD/thùng xăng RON95 và 121,851 USD/thùng với dầu diezel…

Với diễn biến như trên, trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu nhận định, trong kỳ điều hành ngày 3/10, nếu cơ quan điều hành không thay đổi các loại thuế, phí, giá xăng trong nước có thể giảm khoảng 900 – 1.100 đồng/lít, còn giá dầu có thể giảm khoảng 200 đồng/lít.

Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 450 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg. Đồng thời không thực hiện chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.781 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 22.584 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.536 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 22.441 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.656 đồng/kg.

Linh Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục