Giá xăng dầu hôm nay 27/8/2022: Dầu thô lấy lại đà tăng, Brent tuột mốc 100 USD/thùng

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 6h10 ngày 27/8 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu hôm nay trên thế giới lấy lại đà tăng chủ yếu do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn đang xem xét cắt giảm sản lượng và lo ngại nguồn cung dầu của Nga bị gián đoạn.

Giá xăng dầu hôm nay 25/8/2022: Dầu thô tăng vọt, lên mức 100 USD/thùng

Giá xăng dầu hôm nay 26/8/2022: Duy trì đà giảm

Bộ Công Thương: Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 93,06 USD/thùng, tăng 0,54 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 26/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã giảm 2,35 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 99,80 USD/thùng, tăng 0,46 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 2,19 USD so với cùng thời điểm ngày 26/8.

Giá dầu lấy lại đà tăng chủ yếu do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn đang xem xét cắt giảm sản lượng và lo ngại nguồn cung dầu của Nga bị gián đoạn.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Áp lực thiếu hụt nguồn cung càng lớn hơn khi tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài tại châu Âu, Trung Quốc buộc các nhà cung cấp năng lượng phải tìm kiếm các nguồn năng lượng khác thay thế, trong đó có dầu thô.

Thoả thuận hạt nhân của Iran có thể mở ra khả năng thị trường sẽ có thêm 1 triệu thùng/ngày. Nhưng theo giới phân tích, 1 triệu thùng dầu được bổ sung từ Iran là không đủ cho sự thiếu hụt của thị trường.

Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy bởi dữ liệu tồn kho dầu thô và tồn kho xăng của Mỹ giảm mạnh. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt ở châu Âu cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên.

Ở diễn biến mới nhất, nền kinh tế Mỹ tiếp tục ghi nhận dữ liệu kinh tế tích cực khi chỉ có 243.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần, thấp hơn khá nhiều so với con số dự báo 253.000.

Trước đó, trong phiên 26/8, giá dầu thô giảm mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin Nga đang tìm cách tăng cường bán dầu cho châu Á. Cụ thể, Bloomberg ngày 24/8 dẫn lời một quan chức phương Tây cho biết, Nga đã tiếp cận một số quốc gia châu Á để thảo luận về các hợp đồng mua bán dầu dài hạn với mức chiết khấu lên tới 30%.

Dữ liệu mới nhất vừa được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Mỹ có dấu hiệu chậm lại với mức trung bình 4 tuần thấp hơn 7% so với cùng kỳ 2021.

Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 22/8, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành từ ngày 22/8 cho các mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, căn cứ vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới và các mục tiêu điều hành giá, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít), xăng RON 95 ở mức 493 đồng/lít (kỳ trước là 750 đồng/lít), dầu diesel ở mức 250 đồng/lít (kỳ trước là 350 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 650 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 641 đồng/kg (kỳ trước là 716 đồng/kg). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 niêm yết không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III niêm yết không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S niêm yết không cao hơn 23.759 đồng/lít; giá dầu hỏa niêm yết không cao hơn 24.056 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S niêm yết không cao hơn 16.548 đồng/kg.

Bộ Công Thương: Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay đang vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ việc đi lại, sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng cao.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Trong đó, Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý các Sở Công Thương địa phương giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng.

Yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Nếu phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu thì phải xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Hạ Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán