Tuần qua, giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm mạnh sau 4 tuần tăng liêp tiếp. Theo giới phân tích, sự lao dốc bất ngờ của giá dầu thế giới chủ yếu là do sự mạnh lên của đồng USD cùng với những lo ngại về khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự bất ổn về nhu cầu.
Nguồn ảnh: Internet |
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu giảm 3 phiên, tăng nhẹ 1 phiên và gần như đi ngang 1 phiên. Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã quay đầu giảm gần 2USD bởi các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào đầu tháng tới.
Việc Fed tăng lãi suất có thể làm giảm hi vọng phục hồi kinh tế ở nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Tới phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu gần như đi ngang bởi dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc và dự trữ dầu của Mỹ giảm.
Theo Reuters, GDP quý I năm nay của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 4,5%, cao hơn con số dự báo của giới chuyên gia là 4%. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2022. Trong khi đó, sản lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt giảm mạnh.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng vào tuần trước. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API), với mức giảm khoảng 2,68 triệu thùng.
Đến phiên giao dịch thứ ba và thứ tư của tuần, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai tuần. Giá dầu bất ngờ lao dốc ngay sau khi các quan chức của Fed cho biết sẽ ủng hộ việc nâng lãi suất trong thời gian dài hơn.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tăng nhẹ nhờ dữ liệu kinh tế khả quan ở khu vực đồng Euro và Anh. Tuy nhiên, việc này không đủ để vực giá dầu tuần này đi lên. Tính chung trong tuần qua, giá dầu Brent giảm 5,4% còn giá dầu WTI giảm tới 5,6%. Đây là tuần giảm đầu tiên sau 4 tuần tăng liên tiếp của giá dầu thế giới.
Theo dữ liệu từ Oilprice, kết thúc tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,66 USD/thùng, giá dầu WTI chốt tuần ở mức 77,87 USD/thùng. Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục biến động do lo ngại Fed tăng lãi suất và triển vọng bấp bênh của kinh tế toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 17h hôm nay. Thông thường, thời điểm áp dụng của nhiều kỳ điều chỉnh gần đây thường vào 15h.
Lý do quyết định điều hành giá lần này chậm hơn so với thông thường, trao đổi với Dân trí, đại diện Bộ Công Thương cho biết phải chờ số liệu của Bộ Tài chính (bản đóng dấu). Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tại kỳ điều hành giá ngày 21/4 giảm 490 đồng/lít, xuống 22.680 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 610 đồng/lít, xuống 23.630 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 750 đồng/lít còn 19.390 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ trích lập 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa. Cơ quan quản lý không chi quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu. Như vậy, tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 12 lần điều chỉnh giá, trong đó có 7 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Liên quan đến chi phí kinh doanh xăng dầu, mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề ngày 10/3 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Về các kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét các kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu theo quy định và có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.
Đồng thời, hai Bộ cần nghiên cứu các kiến nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, bảo đảm khoa học, hài hòa, hợp lý, đúng quy định pháp luật.
Minh Phương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|