Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 12/12/2022-21/12/2022) chịu tác động của các yếu tố như: Chỉ số lạm phát của Mỹ đang chậm lại; việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; Cơ quan Năng lượng quốc tế nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của toàn cầu trong năm nay và năm sau; khả năng các ngân hàng trung ương Châu Âu tiếp tục tăng lãi suất gây lo ngại về nguy cơ suy thoái… Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng nhẹ đối với dầu diesel và dầu hỏa và giảm nhẹ đối với xăng và dầu mazut.
Nguồn ảnh: Internet |
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 12/12/2022 và kỳ điều hành ngày 21/12/2022 là: 83,213 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,827 USD/thùng, tương đương giảm 0,984% so với kỳ trước); 87,241USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,199 USD/thùng, tương đương giảm 1,355% so với kỳ trước); 108,977 USD/thùng dầu hỏa (tăng 1,177 USD/thùng, tương đương tăng 1,092% so với kỳ trước); 112,497 USD/thùng dầu diesel (tăng 1,213 USD/thùng, tương đương tăng 1,090% so với kỳ trước); 368,069 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 0,440 USD/thùng, tương đương giảm 0,119% so với kỳ trước).
Trong kỳ điều chỉnh này, giá xăng E5 RON 92 giảm 370 đồng/lít, còn 19.970 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 500 đồng/lít, còn 20.700 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa giảm 70 đồng/lít xuống còn 21.830 đồng/lít, dầu diesel giảm 70 đồng/lít còn 21.600 đồng/lít, dầu mazut giảm 150 đồng/kg xuống 12.860 đồng/kg. Như vậy, giá xăng đã có lần giảm thứ 4 liên tiếp.
Tại kỳ điều hành lần này, liên bộ ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel 800 đồng/lít, dầu hỏa 500 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg.
Ngày 19/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký văn bản về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, Chính phủ thông qua việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề nghị của Bộ Tài chính.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục áp dụng mức giá sàn trong khung thuế trong cả năm 2023. Thuế với xăng và nhiên liệu bay áp mức sàn 1.000 đồng/lít, thuế với dầu diesel 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa 300 đồng/lít, mỡ nhờn 300 đồng/kg. Mức thuế này tương tự như năm 2022. Từ năm 2024, thuế với các mặt hàng này sẽ quay về mức kịch trần, tức là 4.000 đồng/lít xăng, nhiên liệu bay là 3.000 đồng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng, dầu hỏa là 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trên thế giới, ghi nhận vào lúc 6h20 ngày 22/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu có xu hướng tăng nhẹ chủ yếu do đồng USD yếu hơn. Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 76,09 USD/thùng, tăng 0,47 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/12. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 80,30 USD/thùng, tăng 0,25 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 21/12.
Lo ngại về việc Nga có thể cắt sản lượng cung cấp dầu và khí đốt cho các nước châu Âu cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu ngày 21/12 đi lên.
Những phiên gia dịch gần đây, giá dầu thô được hỗ trợ mạnh bởi tình trạng nguồn cung thắt chặt có nguy cơ gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu hôm nay là khá hạn chế khi nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về triển vọng tiêu thụ dầu thô từ Trung Quốc do tác động của dịch Covid-19.
Hạ Vy (T/H)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|