Giá xăng dầu hôm nay 2/9/2023: Xu hướng tăng cao sau kỳ nghỉ lễ?

(Banker.vn) Thay vì điều chỉnh vào hôm nay (1/9) như định kỳ, do trùng dịp nghỉ lễ 2/9 nên giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh lùi sang ngày 5/9. Vậy sau kỳ nghỉ, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng hay giảm?

Giá xăng dầu hôm nay 30/8/2023: Biến động "thất thường"

Giá xăng dầu hôm nay 31/8/2023: Lùi điều chỉnh xăng trong nước

Theo nhiều dự báo, giá xăng trong nước sau kỳ nghỉ lễ 2/9 rất có thể tăng theo xu hướng trên thế giới. Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khu vực phía Nam cho biết, giá xăng dầu trong nước liên quan đến giá dầu thô thế giới và giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

"Nếu giá dầu thô thế giới và giá dầu của thị trường Singapore tiếp tục tăng, chắc chắn liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo. Nếu không có sự đột biến nào trong những ngày tới, giá xăng có thể tăng 350 - 450 đồng/lít tùy loại, giá dầu tăng 300 - 600 đồng/lít,kg. Nếu liên bộ trích quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mức tăng có thể cao hơn", vị này nói.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát (Lâm Đồng) phân tích, giá xăng dầu trên thế giới những ngày gần đây diễn biến theo chiều hướng tăng là phổ biến và sẽ vẫn tiếp tục được điều chỉnh hàng ngày vì kỳ nghỉ lễ 2/9 chỉ có ở Việt Nam. "Nếu muốn biết giá xăng biến động theo xu hướng tăng hay giảm, chúng ta cộng giá của tất cả các ngày sau kỳ điều chỉnh trước (từ 22/8 đến 4/9) chia đều cho số ngày, xem chênh bao nhiêu %. Cơ quan điều hành sẽ dựa vào chỉ số này để điều chỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn phải phụ thuộc vào các mức phí, quỹ khác theo quy định", ông Thắng nói. Cũng theo ông Thắng, Việt Nam đang điều hành giá xăng dầu theo thị trường nhưng bán giá quá khứ chứ không phải bán giá hiện tại nên chỉ có thể lấy giá của những ngày sau kỳ điều chỉnh trước để tính giá cho kỳ điều chỉnh sau.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, những ngày gần đây, giá dầu thế giới tăng nhiều hơn giảm. Nếu giá tiếp tục tăng trong những ngày tới thì liên bộ Tài chính – Công Thương sẽ điều hành giá trong nước theo xu hướng tăng theo thị trường.

Ngược lại, nếu những ngày tới, giá dầu thế giới giảm sâu, cơ quan điều hành sẽ tính toán để điều chỉnh giảm theo. Ngày 2/9, giá bán các loại xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng lên mức 23.339 đồng/lít, xăng RON95 lên 24.601 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 71 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, xuống mức 22.354 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu hỏa tăng 420 đồng/lít, lên 22.309 đồng/lít và dầu mazut tăng 313 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, không cao hơn 17.981 đồng/kg.

Trên thế giới, theo Oilprice, lúc 5 giờ 20 phút ngày 2/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent kỳ hạn lên mức 86,86 USD/thùng. Hợp đồng tháng 11 giao dịch tích cực hơn đã tăng lên mức 86,83 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ ghi nhận đà tăng lên mức 83,5 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, cả hai mặt hàng dầu chuẩn ghi nhận mức tăng tháng thứ ba liên tiếp do nguồn cung dầu thô thắt chặt ở Mỹ. Các nhà phân tích kỳ vọng Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ ngày cho đến tháng 10, bổ sung vào mức cắt giảm do OPEC+ đưa ra.

Theo Ole Hansen, nhà phân tích của Ngân hàng Saxo, với việc giá dầu Brent vẫn dậm chân ở mức trên dưới 85 USD/thùng, triển vọng dầu của Saudi Arabia quay trở lại thị trường có vẻ mong manh và thế giới sẽ bị ảnh hưởng vì mức tồn kho của các sản phẩm dầu thô tiếp tục giảm.

Về phía nguồn cung, dữ liệu mới nhất của Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 1,6% trong tháng 6 lên 12,844 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ hồi tháng 2 năm 2020, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ. Tuy nhiên, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến 10,6 triệu thùng trong tuần trước, do xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu tăng mạnh.

Bộ Thương mại Mỹ thông tin rằng chi tiêu tiêu dùng của quốc gia này đã tăng 0,8% so với tháng trước và chỉ số S&P 500 tăng sau khi lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt, báo hiệu rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tạm dừng việc thắt chặt tiền tệ.

Một cuộc khảo sát chính thức tại các nhà máy cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc lại sụt giảm trong tháng 8, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu trầm trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính phủ Mỹ ngày 30/8 đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trong quý II xuống 2,1%, từ mức 2,4% được báo cáo vào tháng trước, và dữ liệu được công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương tư nhân đã chậm lại đáng kể trong tháng 8 vừa qua.

Linh Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán