Giá xăng dầu hôm nay 2/8/2023: Thắt chặt nguồn cung đẩy giá xăng dầu tăng cao

(Banker.vn) Theo quyết định của liên Bộ Tài chính - Công Thương, từ 15h chiều ngày 1/8, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng mạnh. Cùng với đó, giá xăng dầu thế giới cũng "tăng bất chấp".

Giá xăng dầu hôm nay 1/8/2023: Khả năng tăng kỷ lục

Giá xăng dầu trong nước tăng cực mạnh, sát ngưỡng 24.000/lít

Dấu hiệu thắt chặt nguồn cung tiếp tục đẩy giá xăng dầu tăng cao. Giá dầu thô Brent kỳ hạn giao tháng 10 giao dịch lên mức 85,43 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 hết hạn vào 31.7 cũng vọt lên 85,56 USD/thùng.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,22 USD, tương đương 1,5%, lên mức 81,8 USD/thùng. Cả 2 loại dầu chuẩn đều tăng đạt mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 4 trong phiên, sau khi xác lập tuần tăng thứ 5 liên tiếp vào tuần trước.

Theo Reuters, giá dầu đang ghi nhận mức tăng hằng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2022. Đà leo dốc không ngừng của giá dầu được hỗ trợ bởi các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung toàn cầu và nhu cầu gia tăng trong thời gian còn lại của năm.

Một khảo sát của Reuters cho biết, trong tháng 7, sản lượng của Ả Rập Xê Út đã giảm 860.000 thùng/ngày, trong khi tổng sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm 840.000 thùng/ngày.

Trong nước, giá bán lẻ mới của xăng RON95 là lên 23.960 đồng/lít sau khi tăng 1.170 đồng/lít. Xăng E5RON92 bán lẻ tăng 1.160 đồng/lít, lên 22.790 đồng/lít. Dầu diesel loại 0,05S bán lẻ tăng 1.110 đồng, lên 20.260 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục dừng trích lập vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Các doanh nghiệp được trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng dầu diesel là 400 đồng/lít. Mức trích Quỹ với dầu hỏa là 300 đồng/lít.

Các mặt hàng xăng RON95, E5 RON92 và dầu madut áp dụng mức trích sử dụng 0 đồng. Đây là lần thứ hai liên tiếp giá mặt hàng nhiên liệu tăng trên 1.100 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, với hạ tầng xăng dầu, dự trữ dầu thô và sản phẩm chế biến xăng dầu đáp ứng tối thiểu 20-25 ngày nhập ròng, xăng dầu thương mại đáp ứng 30-35 ngày, còn hạ tầng dự trữ quốc gia là 15-30 ngày nhập khẩu ròng.

Với LPG, hạ tầng dự trữ đạt sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030. Do vậy, Việt Nam sẽ xây mới 500.000m3 kho chứa xăng dầu đến 2030 phục vụ dự trữ quốc gia. Kho dự trữ dầu thô sẽ được xây mới 1-2 kho tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn), với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.

Thanh Hằng (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán