Giá xăng dầu hôm nay 12/6/2023: Thị trường trong nước điều chỉnh tăng?

(Banker.vn) Ngày điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng. Tuy nhiên, kỳ điều chỉnh ngày 11/6 rơi vào chủ nhật nên thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 12/6.

Giá xăng dầu hôm nay 8/6/2023: Dầu thô giảm nhẹ, thị trường trong nước sẽ ra sao?

Giá xăng dầu hôm nay 9/6/2023: Sản lượng đi lên, giá xăng quay đầu tăng nhẹ

Theo đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, dù giá xăng dầu thế giới biến động giảm hai tuần liên tiếp, nhưng nhiều khả năng tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương ngày mai 12/6, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ hoặc giữ nguyên. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 có thể tăng 100-200 đồng/lít, dầu diesel có thể tăng 100 đồng/lít.

Giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh giảm ra sao vào chiều ngày 12/6/2023 (Nguồn ảnh: Internet
Giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh giảm ra sao vào chiều ngày 12/6/2023 (Nguồn ảnh: Internet)

Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể không đổi, thậm chí quay đầu giảm. Từ đầu năm đến nay, giá các nhiên liệu đã trải qua 16 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Trường hợp điều chỉnh tăng, đây là lần thứ 3 giá xăng tăng liên tiếp.

Tại kỳ điều chỉnh ngày 1/6, xăng E5 RON 92 tăng 390 đồng/lít, lên 20.870 đồng/lít; RON 95 tăng 520 đồng/lít, lên 22.010 đồng/lít. Trước đó, vào giữa tháng 5, sau khi giá xăng giảm sốc phiên thứ 2 liên tiếp, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có đơn gửi Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành Nghị định về xăng dầu. Nhóm này cho biết hầu hết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng, việc kinh doanh bấp bênh kéo dài vì những bất cập tại Nghị định 95/2021.

Trên thế giới, trong phiên giao dịch tuần qua, vào đầu tuần, giá dầu đi lên sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7. Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết sản lượng của nước này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Mục tiêu của kế hoạch là hạn chế nguồn cung vào năm 2024 để đẩy giá dầu lên. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 6/6, giá dầu quay đầu giảm khoảng 1% giữa những lo ngại nhu cầu năng lượng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đã lấn át cam kết cắt giảm sản lượng dầu hơn nữa của Saudi Arabia.

Đến phiên 7/6 phục hồi nhẹ những lại giảm trở lại vào phiên 8/6. Đà giảm của mặt hàng này đã được hạn chế phần nào sau sự sụt giảm mạnh trước đó, khi Mỹ và Iran đều bác bỏ thông tin rằng hai bên gần đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Cuối tuần 9/6, giá dầu tiếp tục giảm hơn 1 USD/thùng khi số liệu đáng thất vọng của kinh tế Trung Quốc làm tăng thêm nghi ngờ về tăng trưởng nhu cầu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,17 USD (1,5%) xuống 74,79 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,12 USD (1,6%) xuống 70,17 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, dữ liệu lạm phát và quyết định lãi suất trong những tuần tới sẽ là những nhân tố chi phối thị trường dầu mỏ. Giá dầu có thể tăng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất tại cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 13-14/6.

Các nhà phân tích cho biết quyết định của Fed cũng có thể ảnh hưởng đến động thái tiếp theo của Saudi Arabia. Theo các chuyên gia, số liệu xuất khẩu yếu của Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường dầu mỏ. Trong tháng 5/2023, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tốc nhanh hơn nhiều so với dự kiến, nhập khẩu cũng kéo dài đà giảm khi triển vọng đối với nhu cầu toàn cầu ảm đạm, đặc biệt là từ các nước phát triển.

Minh Phương (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán