Tại thị trường trong nước, chiều 11/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Một lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối miền Nam cho biết sau kỳ điều hành ngày 4/5, giá dầu thô tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm. Theo đó giá xăng dầu trong nước có thể giảm tiếp trong kỳ điều hành ngày mai.
Nguồn ảnh: Internet |
Đến tối 9/5, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore là 87,67 USD/thùng xăng RON 95 và 82,99 USD/thùng với xăng RON 92. Theo đó, nhiều khả năng giá xăng ngày mai giảm khoảng 900-1.100 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 550-650 đồng/lít.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành. Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết giá xăng trong nước có thể giảm về mức hơn 20.000 đồng/lít - thấp nhất từ đầu năm đến nay vào kỳ điều hành ngày mai. Hiện tại, mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho đang tăng dần, ngày 10/5 đang ở mức 1.300-1.500 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ giảm lần thứ 3 liên tiếp, đưa giá mặt hàng này về mức thấp nhất từ đầu năm. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 7 lần tăng, 5 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Về thị trường dầu thô thế giới, giá nhiên liệu lao dốc do những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp. Trong buổi họp báo sau cuộc họp ngày 3/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan hoạch định chính sách "không đưa ra quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong hôm nay".
Theo CNBC, tuần trước, giá dầu ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ đầu năm. Nhưng giới quan sát tin rằng thị trường sẽ sớm phục hồi. Tính đến cuối tuần trước, giá dầu Brent đã lao dốc 8% so với hồi đầu năm.
Còn dầu WTI chuẩn Mỹ ghi nhận mức giảm 11% trong năm nay. Trên thế giới, theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h40 ngày 10/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 77,01 USD/thùng, giảm 0,43 USD, tương đương 0,56% so với phiên liền trước.
Còn giá dầu WTI xuống 73,28 USD/thùng, giảm 0,43 USD, tương đương 0,58% so với phiên liền trước. Đến 19h20 ngày 10/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 76,82 USD/thùng, giảm 0,62 USD, tương đương 0,8% so với phiên liền trước.
Còn giá dầu WTI ở mức 73,15 USD/thùng, giảm 0,56 USD, tương đương 0,16% so với phiên liền trước. Giới phân tích nhận định, giá dầu giảm do nhu cầu suy yếu và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư. Dự trữ xăng dầu của Mỹ bất ngờ tăng và mức tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu yếu tại Trung Quốc đã làm trầm trọng lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã chậm lại trong khi nhập khẩu giảm mạnh 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu dầu thô tháng 4 của Trung Quốc cũng giảm xuống 10,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn 16,4% so với mức 12,32 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có tác động rất lớn đến giá dầu.
Thị trường đang chờ đợi báo cáo dầu hàng tháng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), được công bố vào ngày hôm nay, để biết tổ chức này và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) có cắt giảm sản lượng một lần nữa để đẩy giá dầu lên hay không. Trong tháng 4, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến hết năm nay.
Minh Phương (T/H)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|