Giá xăng dầu hôm nay 1/9/2022: Thị trường trong nước kết thúc đà giảm?

(Banker.vn) Giá xăng trong kỳ tới (1/9) có khả năng tăng 380-390 đồng/lít. Còn giá dầu sẽ tăng mạnh hơn, ở mức 2.400-2.500 đồng/lít. Song mức tăng cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới trong vài ngày tới và mức chi/trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Lý do cần điều chỉnh giá xăng dầu đúng ngày 1/9?

Giá xăng dầu hôm nay 31/8/2022: Dầu Brent vượt mức 100 USD/thùng

Giá xăng trong nước mất cơ hội giảm lần thứ 6?

Theo các chuyên gia, các diễn biến mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran khiến giá dầu tăng liên tiếp trong tuần qua. Giá dầu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu đang tăng cao trở lại trên toàn thế giới.

Trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự đoán giá bán lẻ xăng dầu trong nước ở kỳ điều hành tới có thể tăng theo giá xăng dầu thế giới.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Giá xăng trong kỳ tới có khả năng tăng 380-390 đồng/lít. Còn giá dầu sẽ tăng mạnh hơn, ở mức 2.400-2.500 đồng/lít. Song mức tăng cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới trong vài ngày tới và mức chi/trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nếu dự đoán này đúng thì sau 5 kỳ giảm giá liên tiếp, giá xăng trong nước đã không có cơ hội giảm lần thứ 6.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 22 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên. Hiện giá xăng bán lẻ tương đương mức giá hồi cuối tháng 1.

Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 22/8), giá xăng được giữ nguyên còn giá dầu được điều chỉnh tăng. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên, giá bán không quá 23.725 đồng/lít; giá xăng RON95 giữ ở mức giá 24.669 đồng/lít.

Ngược lại, giá dầu diesel được điều chỉnh tăng 850 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.759 đồng/lít, giá dầu hỏa không cao hơn 24.056 đồng/lít, giá dầu mazut không cao hơn 16.548 đồng/kg.

Cũng tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính trích lập Quỹ Bình ổn giá với xăng E5 là 451 đồng/lít, xăng RON95 là 493 đồng/lít, dầu diesel là 250 đồng/lít.

Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến ngày 22/8, Quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp này đã dương 644 tỉ đồng, dù trước đó có thời điểm âm hàng chục tỉ đồng.

Còn tại Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM (Saigon Petro) số dư quỹ là 227 tỉ đồng; Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) dương 268 tỉ đồng; Công ty CP hóa dầu quân đội (Mipec) dương 13 tỉ đồng...

Trên thế giới, ghi nhận vào lúc 6h20 ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu có xu hướng tăng chủ yếu do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt hơn trước khả năng gián đoạn nguồn cung từ Lybia, Nga và khả năng OPEC+ giảm sản lượng.

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 92,18 USD/thùng, tăng 0,54 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 31/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã giảm tới 4,63 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 99,71 USD/thùng, tăng 0,40 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 5,16 USD so với cùng thời điểm ngày 31/8.

Triển vọng dầu thô Iran gia tăng trên thị trường đang trở lên khó khăn hơn khi các bên chưa thể đạt được sự đồng thuận về Thoả thuận hạt nhân. Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy bởi tâm lý hưng phấn của giới đầu tư khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục ghi nhận nhiều dữ liệu tích cực, và nhiều chuyên gia dự báo Fed sẽ không quá mạnh tay trong việc thực hiện một đợt tăng lãi suất mới.

Tồn kho dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 31/8 cũng bị kiềm chế mạnh bởi lo ngại suy thoái kinh tế, dịch bệnh sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Trước đó, vào cuối phiên 30/8, giá dầu thô đã lao dốc mạnh khi thị trường ghi nhận thông tin Trung Quốc tái áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Chính quyền đặc khu kinh tế Thâm Quyến sẽ đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh. Hàng triệu dân của thành phố Đại Liên cũng đang phải sống trong cảnh phong tỏa do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại đây.

Giá dầu thô còn chịu áp lực giảm mạnh khi Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ giảm sâu giá dầu sang châu Á.

Theo 5 nguồn tin lọc dầu mà Reuters thăm dò, Ả Rập Xê-út có thể giảm giá Arab Light tại thị trường trọng điểm châu Á xuống trung bình 4,50 USD/thùng cho đợt nạp tháng 10. Các nhà tinh chế dự kiến ​​giá tháng 10 của Arab Light là từ 3,85 USD đến 6,30 USD/thùng so với Oman/Dubai.

Giá dầu hôm nay cũng chịu áp lực bởi thông tin sản lượng dầu của Nga đã vượt kỳ vọng, bất chấp cuộc xung đột với Ukraine. Thông tin được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phát đi. IEA cũng đề cập đến khả năng các nước thành viên của tổ chức này có thể xả thêm dầu tư các kho dự trữ nếu thấy cần thiết khi chương trình hiện tại hết hạn.

Hiện thị trường đang hướng sự chú ý đến cuộc họp sắp tới của OPEC vào ngày 5/9 tới để có thêm cơ sở để đánh giá cán cân cung - cầu dầu toàn cầu.

Linh Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán