Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 29/5 cho thấy bình quân giá xăng RON 92 (dùng để điều chế xăng E5 RON 92) là 88,13 USD/thùng, RON 95 là 93,07 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 85,1 USD/thùng xăng RON 92; 89,6 USD/thùng xăng RON 95 và 89,1 USD/thùng dầu diesel.
Dự báo giá xăng trong nước chiều nay điều chỉnh tăng gần 1.000 đồng/lít (Nguồn ảnh: Internet) |
Một lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại phía Nam cho biết giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục tăng sau kỳ điều hành ngày 22/5, đã lên hơn 90 USD/thùng. Theo đó, nhiều khả năng giá xăng ngày mai tăng khoảng 550-800 đồng/lít, dầu diesel tăng ít hơn.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành. Một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết giá xăng dầu có thể tăng mạnh hơn kỳ điều hành trước ở mức 600-700 đồng/lít.
Mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho ngày 31/5 đang ở mức 400-800 đồng/lít. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ tăng 2 lần liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 8 lần tăng, 6 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành lần trước, giá xăng E5 RON92 tăng 357 đồng/lít, giá mới là 20.488 đồng mỗi lít; xăng RON95-III tăng 499 đồng mỗi lít, lên 21.499 đồng/lít; dầu diesel tăng 301 đồng, lên mức 17.954 đồng/lít; dầu mazut tăng 296 đồng, giá mới là 15.158 đồng/kg. Tuy nhiên, dầu hỏa giảm 3 đồng/lít, giá mới là 17.969 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay vẫn tiếp đà giảm mạnh từ 2 phiên trước. Cụ thể, theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h30 ngày 31/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 73,41 USD/thùng. Còn giá dầu WTI ở mức 69,22 USD/thùng.
Đến 19h50 cùng ngày, giá dầu thô Brent xuống mức 71,79 USD/thùng. Còn giá dầu WTI ở mức 67,37 USD/thùng. Theo giới phân tích, giá dầu thế giới suy yếu dưới sức ép từ các số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới) và đà tăng của đồng USD.
Sáng 31/5, Trung Quốc đã công bố các chỉ số quản lý thu mua (PMI) của tháng 5, với các chỉ số tiêu cực hơn so với dự báo. Theo đó, chỉ số PMI sản xuất giảm về 48,8 điểm, phản ánh sự thu hẹp sản xuất của Trung Quốc.
Chỉ số PMI phi sản xuất (đo lường mức độ tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ) của Trung Quốc về mức 54,5 điểm, giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Các tin tức trên gây bất lợi đối với giá dầu.
Tamas Varga của PVM Oil cho biết: "Một khả năng vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc về kinh tế trong nước cũng như toàn cầu, điều này sẽ tác động xấu đến nhu cầu dầu mỏ". Thời hạn nợ gần trùng với cuộc họp ngày 4/6 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) và sự không chắc chắn về việc liệu họ có tăng cắt giảm sản lượng hay không trong bối cảnh giá sụt giảm gần đây cũng đang đè nặng lên thị trường.
Linh Linh (T/H)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|