Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lữ hành lo du lịch nội địa gặp khó khăn

(Banker.vn) Cao điểm du lịch hè đang đến gần, tuy nhiên, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay lại đang khiến cho doanh nghiệp lữ hành lo lắng.
Bộ Giao thông Vận tải phản hồi về đề xuất giảm giá vé máy bay Từ 1/3/2024, tăng trần giá vé máy bay nội địa

Doanh nghiệp lo chi phí tour gia tăng

Từ ngày 01/03/2024, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa sẽ chính thức có hiệu lực.

Tại Hội nghị hàng không quốc tế 2024 (International Airline Symposium) mới đây, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám Đốc hãng Hàng không Vietnam Airlines cho hay, trần giá vé máy bay nội địa sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng khoảng 3,75% so với hiện nay.

Theo lý giải, việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa là điều kiện để các hãng hàng không có thể bù đắp chi phí đã thay đổi suốt gần 10 năm qua. Đây cũng là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa.

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lữ hành lo du lịch nội địa gặp khó khăn
Du lịch nội địa chuẩn bị bước vào mùa cao điểm hè 2024. Ảnh: VPG

Tuy nhiên, phản ứng trước việc điều chỉnh trần giá vé máy bay, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều bày tỏ lo lắng, bởi vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới các sản phẩm, chương trình tour nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh giá vé máy bay sau Tết vẫn rất cao.

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist nêu ý kiến, việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3/2024 tất nhiên sẽ có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. "Đó là điều chắc chắc, do đó giá tour cũng bắt buộc phải điều chỉnh song song"- ông Mẫn nói.

Giá vé máy bay thường chiếm khoảng 65 - 70% giá tour du lịch, do đó khi giá vé máy bay biến động, giá tour đã xây dựng trước đó cũng sẽ khó tránh bị ảnh hưởng. Vì thế, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Tín Việt - ông Lê Trung Tín cũng cho rằng, tăng giá vé máy bay đồng nghĩa đẩy chi phí vận chuyển lên tới 50%, thậm chí 70% giá tour trọn gói. Đây là điều bất hợp lý khi khách hàng không được hưởng lợi nhiều so với số tiền phải bỏ ra. Như vậy, việc giá vé máy bay tăng cao sẽ bằng, thậm chí cao hơn cả giá land tour (tour trọn gói), khiến tour nội địa ngày càng đắt hơn tour nước ngoài.

Còn theo bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Vietluxtour, giá vé máy bay tăng sẽ ảnh hưởng đến một số tour trong nước nên doanh nghiệp đang cân nhắc kỹ lưỡng việc “ôm” trước lượng vé cho phù hợp vào mùa cao điểm. Riêng tour MICE đoàn (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội thảo) và tour inbound, do khách thường ký hợp đồng khá sớm, doanh nghiệp đã tính toán chuẩn bị trước các series booking nên có những tuyến/đoàn giá tour chưa thay đổi.

Du lịch và hàng không là hai ngành có mối quan hệ gắn bó mật thiết, song hành cùng sự phát triển của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, hiện mối liên kết này vẫn chưa như kỳ vọng và có tác động tích cực đến hoạt động của mỗi ngành. Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á chia sẻ, giá tour du lịch đã ảnh hưởng rất nhiều bởi giá vé máy bay và hiện giờ sẽ lại càng khó khăn hơn. Nhiều khi dịch vụ cả một hành trình tour không bằng giá vé máy bay phải trả.

"Từ trước đến giờ vé máy bay đã là một rào cản và rủi do với các doanh nghiệp lữ hành, vì vậy việc hãng hàng không không có chính sách an toàn cho các đơn vị lữ hành là một điều đáng lo ngại. Đáng lẽ ra hàng không nên đặt ra một giá sàn không đổi theo từng giai đoạn để các đơn vị yên tâm về việc xúc tiến và đẩy mạnh bán sản phẩm mang lại nguồn lợi cho cả hai bên thay vì nâng giá, hạ giá như bây giờ"- ông Quỳnh nêu quan điểm.

Khách du lịch có xu hướng chọn du lịch đường bộ

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, năm 2024, ngành lữ hành bên cạnh yếu tố tích cực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá do đó khách hàng chính là người dùng sau cùng sẽ có quyết định trong việc lựa chọn hình thức du lịch phù hợp với nhu cầu.

Vì vậy, dự báo đối với du lịch trong nước, ông Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, hình thức du lịch trong cự ly gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao, nếu lấy thị trường khách TP.Hồ Chí Minh làm trọng tâm thì Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết, Phan Rang thậm chí Nha Trang sẽ là lựa chọn của du khách, trong đó vận chuyển bằng ô-tô sẽ tăng do ưu thế rút ngắn thời gian của đường cao tốc.

Còn theo đại diện Vietluxtour, không đợi đến giá vé máy bay điều chỉnh thời gian tới mà từ năm ngoái tại hãng lữ hành này, khách du lịch đường bộ đã có xu hướng tăng. Chỉ riêng nhóm khách MICE (khách kết hợp du lịch và hội họp) trong quý 1/2024 đã có 60% khách chọn du lịch bằng phương tiện ô tô và tàu lửa, đa phần các tuyến từ đầu TP.Hồ Chí Minh đến Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa... và đầu Hà Nội đến Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình, Sầm Sơn...

Bên cạnh đó, để tránh phải tăng giá do ảnh hưởng của giá vé trần điều chỉnh, các công ty du lịch, lữ hành cũng cho biết sẽ có chính sách khuyến khích khách hàng đặt vé sớm, giúp họ dễ hoạch định kế hoạch trong đặt seri-booking giá đoàn tốt hơn.

Chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm hè 2024, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo các Hãng hàng không Việt Nam chủ động phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành về việc xây dựng các chương trình, kế hoạch khai thác đến các địa phương, các quốc gia trọng điểm về du lịch. Qua đó hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa và quốc tế.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng báo cáo nhu cầu khai thác, tăng chuyến, cũng như các đề xuất liên quan đến việc điều chỉnh tham số giờ hạ, cất cánh; thời gian phục vụ chuyến bay tại các cảng trong dịp nghỉ lễ (30/4-1/5) và giai đoạn cao điểm hè; khẩn trương xây dựng kế hoạch khai thác tăng chuyến ngay từ hiện tại trên các đường bay nội địa, kể cả tăng cường khai thác vào khung giờ tối và đêm để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Du lịch nội địa cùng với du lịch quốc tế luôn được khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch. Đặc biệt, trong những thời kỳ có nhiều biến động của môi trường bên ngoài, du lịch nội địa được coi là một điểm tựa để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển. Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương