Giá vàng trong nước bao trùm sắc đỏ

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 9h30 ngày 16/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng đồng loạt giảm, mức điều chỉnh từ 100.000 đồng/lượng đến 200.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng. Trên thế giới, giá vàng cũng xuống mức thấp vì đồng USD phục hồi trong khi giới đầu tư lo ngại về những đợt tăng lãi suất khác từ Fed.

Giá vàng hôm nay 15/8/2022: Áp lực lãi suất, vàng tăng thận trọng

Giá vàng trong nước "lao dốc" ngay khi mở cửa phiên đầu tuần

Giá vàng hôm nay 16/8/2022: Áp lực tăng lãi suất đè nặng, vàng SJC giảm mạnh

Cụ thể, vàng SJC giảm 100.000 đồng/lượng cho chiều mua và chiều bán tại doanh nghiệp Phú Quý và hệ thống PNJ. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC giảm 200.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch.

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 66 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 66,90 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác trong sáng nay điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 100.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 70.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 60.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua - bán.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Trong phiên giao dịch sáng ngày 16/8, giá vàng giao ngay giảm 0,04% xuống 1.779, 8 USD/ounce vào lúc 6h09 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 0,21% xuống 1.794,3 USD. Chỉ số USD Index tăng, khiến vàng và các hàng hóa khác được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,85% lên 106,405. Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho biết, vàng bị mắc kẹt quanh ngưỡng 1.800 USD và với sự phục hồi của đồng USD trong ngày hôm nay, nó đang đẩy vàng và toàn bộ thị trường hàng hóa xuống thấp hơn.

"Thị trường vàng đang giao dịch một cách thận trọng, vì Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Các nhà đầu tư thực sự cho rằng các đợt nâng lãi suất khác sắp diễn ra", ông nói thêm. Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết giá vàng và bạc cũng giảm do lo ngại về nhu cầu sau khi dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc được công bố.

Sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc, nhà tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đã tăng 3,8% trong tháng 7 so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 3,9% trong tháng 6, theo Reuters.

Vàng thu hút dòng tiền trú ẩn an toàn trong thời kỳ lo ngại về suy thoái, nhưng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể dẫn đến nhu cầu vàng vật chất thấp hơn.

Capital Economics dự báo đà giảm sẽ duy trì khi đồng USD mạnh lên và lợi tức kho bạc tăng lên gây áp lực giảm giá kim loại quý này.

Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay giảm 2,5% xuống 20,29 USD/ounce, giá bạch kim giảm hơn 2,9% xuống 934,16 USD, trong khi giá palladium giảm 3,1% xuống 2.153,26 USD.

Theo ông Rupert Rowling, một nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money, khả năng suy thoái ở châu Âu có thể làm giảm nhu cầu công nghiệp đối với bạc.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết: “Đồng USD phục hồi là nguyên nhân lớn đằng sau việc giá vàng giảm hôm nay. Giá kim loại quý đã nhiều lần chạm ngưỡng kháng cự 1.800 USD và hiện đang bị đẩy lùi.

Mặc dù điều đó không nhất thiết có nghĩa là giá vàng đã đạt đỉnh và tất cả sẽ xuống dốc từ đây”.

Đồng USD tăng 0,6% sau khi một loạt dữ liệu đáng thất vọng mới của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại suy thoái toàn cầu.

Lukman Otunuga, nhà phân tích thị trường cấp cao tại FXTM, cho biết, vàng cũng đang phải vật lộn để tỏa sáng trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu vàng vật chất của Trung Quốc trước tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Quốc gia này là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Loạt dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc khiến thị trường hoang mang.

Đầu phiên giao dịch, Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ thông báo rằng họ sẽ hạ lãi suất và tăng thêm tính thanh khoản cho hệ thống tài chính của nước này sau khi một số dữ liệu ảm đạm về nền kinh tế số 2 thế giới được công bố.

Theo đó, dữ liệu của nước này về sản lượng sản xuất công nghiệp, đầu tư, chi tiêu tiêu dùng và bất động sản đều suy yếu trong tháng Bảy. Tin tức kém vui về nền kinh tế Trung Quốc càng làm tăng thêm lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để phòng dịch và thị trường bất động sản gặp khó khăn đã kìm hãm đà tăng của nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, các nhà đầu tư vẫn thận trọng khi họ chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố vào ngày 17/8 tới để có thêm manh mối về việc tăng lãi suất của Fed.

Nhà phân tích Otunuga của FXTM cho biết thêm, tùy thuộc vào cách các thị trường phản ứng với các biên bản mới nhất của Fed, mức giảm giá của vàng có thể xuống còn 1.770 USD, hoặc thậm chí 1.740 USD/ounce. Lãi suất ngân hàng Mỹ tăng đã làm mờ đi sức hấp dẫn của vàng vốn không sinh lợi.

Ngoài ra, tuần này thị trường cũng còn để ý tới số liệu lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng Bảy.

Tuy nhiên, Rupert Rowling, một nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money cho biết, những gì xảy ra ở Mỹ cho đến nay là động lực lớn nhất đối với vàng và các hành động của Fed vượt xa Ngân hàng Trung ương Anh khi nói đến tác động đến giá cả.

Các nhà giao dịch đang nhận định khả năng khoảng 44,5% Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 9 tới và 57,5% khả năng lãi suất tăng thêm 50 điểm cơ bản.

Mặc dù vàng thường được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát, nhưng việc Mỹ tăng lãi suất đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.

Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters, về mặt kỹ thuật, giá vàng giao ngay có xu hướng kiểm tra lại mức hỗ trợ 1.784 USD/ounce, mức đứt gãy thấp hơn có thể khiến giá kim loại quý này rơi xuống khoảng 1.767-1.773 USD/ounce.

Linh Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục