Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc buổi họp ngày 20/3 vừa qua bằng thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất lần thứ năm liên tiếp và dự báo sẽ giảm 3/4 điểm phần trăm vào cuối năm 2024.
Giá vàng thế giới sau đó chứng kiến mức tăng kỷ lục. Ghi nhận vào lúc 18h17 ngày 20/3 (giờ Mỹ), giá vàng trên sàn ở mức cao chưa từng thấy, ở mức 2.222,39 USD/ounce, sau đó ấn định ở mức 2.200 USD vào cuối ngày.
FED cũng giữ dự đoán về 3 đợt giảm lãi suất sau cuộc họp báo, tuy chưa ấn định ngày giờ. Theo khảo sát từ CNBC, có 68% nhà đầu tư dự báo FED sẽ có đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6. Trên khảo sát của tờ Reuters, con số này lên tới 72%.
Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong buổi họp báo ngày 20/3/2024. Nguồn ảnh: Al Drago, Bloomberg |
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên CNBC, ông Shaan Raithatha, nhà kinh tế cấp cao tại công ty quản lý tài sản hàng đầu Vanguard (Mỹ) đã phản bác dự đoán này.
Thực tế, trước đây FED cũng đã giảm dự đoán về số đợt cắt giảm lãi suất trong năm từ 7 lần xuống còn 3 lần. Theo ông Shaan Raithatha, nguyên nhân giữ nguyên lãi suất có thể là do kinh tế phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là tăng trưởng nhờ nguồn cung và giảm phát, nhưng cũng có thể là do thị trường chứng khoán đang có đà tăng. “Hiện tại, chúng tôi đánh giá thị trường chứng khoán Hoa Kỳ được định giá tương đối cao và không có dấu hiệu hạ nhiệt” - ông Shaan Raithatha chia sẻ.
Chung quan điểm, trước đó trả lời trên CNBC, ông Mark Okada, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Sycamore Tree Capital Partners (Mỹ) dự báo rằng có khả năng cao FED sẽ giữ lãi suất tăng vào năm 2024. Vào đầu tháng 3, đăng tải trên tờ Bloomberg, ông Torsten Slok - Chuyên gia kinh tế chính tại Apollo Global Management (Mỹ), cũng báo hiệu đến các nhà đầu tư về một năm 2024 không có cắt giảm lãi suất.
Lãi suất cao liệu có ảnh hưởng đến giá vàng?
Theo ông J.B. Maverick, một nhà phân tích thị trường với hơn 17 năm kinh nghiệm tại Mỹ, dữ liệu lịch sử cho thấy không có mối tương quan đáng kể giữa việc lãi suất tăng và giá vàng giảm. Thực tế, trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến 1981 tại Mỹ, lãi suất FED đã tăng hơn bốn lần, đạt mức 16% vào năm 1981. Cũng trong cùng khoảng thời gian đó, giá vàng cũng đã có mức tăng vọt không tưởng, từ dưới 200 USD/ounce lên mức giá gần 2.000 USD/ounce.
Ông J.B. Maverick cũng giải thích thêm: “Nhiều người lầm tưởng rằng lãi suất cao hơn làm cho các khoản đầu tư có thu nhập cố định như trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn, khiến dòng tiền sẽ từ vàng chảy ra và đổ vào các khoản đầu tư khác, mang lại lãi suất cao hơn. Nhưng thực tế, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến giá vàng”.
Như nhiều mặt hàng khác, giá vàng phụ thuộc vào luật cung - cầu của thị trường. Vì sản xuất vàng là một quá trình lâu dài, nên nhà đầu tư có thể nhìn trước được phía cung của thị trường vàng, nhưng phía cầu có thể biến động mạnh. Ví dụ, nhu cầu trang sức, lo ngại về lạm phát hay là sức mua của các Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tác động đến thị trường vàng. Đặc biệt, bất ổn về kinh tế hoặc địa chính trị có thể khiến các nhà đầu tư đổ xô mua vàng, vốn được coi là một kênh đầu tư an toàn.
Tuy nhiên, chia sẻ trong tờ The Economics Times, ông Hareesh V. Nair - Giám đốc Hàng hóa tại Geojit Financial Services (Ấn Độ) cho rằng, vẫn tồn tại mối tương quan đáng kể giữa việc lãi suất giảm và giá vàng tăng. Thực tế, khi lãi suất thấp hơn, lợi nhuận từ các tài sản bằng đô la Mỹ như trái phiếu và tài khoản tiết kiệm sẽ giảm. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm giá trị của đồng đô la so với các loại tiền tệ khác. Vì vàng được định giá bằng đô la Mỹ trên toàn cầu, đồng đô la yếu hơn sẽ khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế, điều này có thể đẩy giá vàng lên cao.
Đánh giá về triển vọng đầu tư của vàng, ông Hareesh V. Nair nói: “Vàng là một trong những tài sản tốt nhất cho việc đầu tư dài hạn, mang lại sự an toàn và lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư. Thực tế, giá vàng tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua và tăng hơn 980% kể từ năm 2003. Do đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng những đợt điều chỉnh giá vàng để cân nhắc thêm kim loại này vào danh mục đầu tư, nhằm thu được lợi ích lâu dài hơn”.
Biểu đồ giá vàng thế giới, ghi nhận tại thời điểm 14h00 ngày 22/3/2024 |
Theo khảo sát của Báo Công Thương, rạng sáng nay 22/3/2024, giá vàng thế giới đang có mức giảm nhẹ. Ghi nhận lúc 5h00 (giờ Việt Nam) vàng giao ngay ở mức 2.181,135 USD/ounce. Đến thời điểm 14h00 cùng ngày, giá vàng đang ở mức 2.172,4 USD/ounce. Giá vàng thế giới hôm nay giảm 8,1 USD/ounce so với ngày hôm qua (21/3).
Ở thị trường trong nước, rạng sáng nay ngày 22/3/2024, giá vàng SJC bất ngờ giảm sốc, trượt ngưỡng 81 triệu đồng/lượng. Thời điểm đầu giờ sáng, giá mua vào cao nhất của vàng SJC ở mốc 78,40 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao nhất đạt mức 80,60 triệu đồng/lượng. Đến 14h cùng ngày, giá vàng tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC tiếp tục giảm còn 77,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 79,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Giá vàng tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, ghi nhận tại thời điểm 14h00 ngày 22/3/2024 |
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, vàng miếng SJC và vàng nhẫn sẽ còn biến động trong ngày tới. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ đưa ra đánh giá và sửa đổi bổ sung cho Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng trong quý I và có những biện pháp để ổn định thị trường này.
Một số nhà phân tích khuyến cáo, đối với các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường vàng và có ý định mua vàng tích lũy thời điểm này cần theo dõi sát diễn biến thị trường để có những quyết định mua vào an toàn, tránh thua lỗ.
Phú Quý
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|