Giá vàng "nhảy múa": Sắp có quy định mới quản lý thị trường vàng?

(Banker.vn) Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng.
Dự trữ vàng của Nga lần đầu vượt 150 tỷ USD Giá vàng năm 2024 sẽ còn gây bất ngờ? Giá vàng lập đỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng trong tháng 1/2024

Giá vàng miếng SJC trong nước lên đến 80 triệu đồng/lượng

Từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng quốc tế tăng mạnh trên mức 2.000 USD/ounce. Riêng ngày 26/12, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/ounce, tăng 232 USD/ounce (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm.

Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo. Riêng trong ngày 26/12, giá vàng miếng SJC biến động mạnh, gần trưa lên đến 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến giờ giao dịch buổi chiều, giá mua - bán vàng miếng SJC đã giảm nhanh trở lại, xuống mức 77,4 - 79,23 triệu đồng/lượng.

Giá vàng
Giá vàng SJC liên tục "nhảy múa" trong những ngày qua

Ngày 28/12, giá vàng quốc tế tăng 19 USD/ounce, trong khi giá mua - bán vàng SJC trong nước quanh mức 78,2 - 79,87 triệu đồng/lượng.

Trước biến động mạnh của giá vàng quốc tế và trong nước những ngày gần đây, khối lượng giao dịch cả chiều mua, lẫn chiều bán vàng đều tăng nhẹ, tuy nhiên, thị trường vàng miếng SJC nhìn chung không biến động bất thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao như giai đoạn trước đây.

Nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.

Tăng cường các giải pháp quản lý thị trường vàng

Ngày 28/12, tại công điện về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng.

Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý.

Giá vàng
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo không được để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường và các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua bán vàng miếng và các chủ thể khác trên thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất các vấn đề vượt thẩm quyền;

Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Giá vàng miếng SJC tại cửa hàng Bảo Tín Mạnh Hải đầu giờ sáng 28/12 có lúc lên tới 80 triệu đồng/lượng, sau đó bắt đầu giảm dần từ 3 - 4 triệu đồng. Tính riêng ngày 28/12, cửa hàng này đã thay đổi bảng giá niêm yết khoảng trên 20 lần.

"Trong ngày có thông tin về công điện của Thủ tướng về minh bạch thị trường, ngay sau đó thị trường đã ổn định hơn, giá vàng SJC đã giảm về vùng 75 triệu đồng, giảm 4 triệu đồng/lượng. Lượng khách hàng bán nhiều hơn mua từ 10 - 15%", ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải, cho biết.

Theo quan sát, nhiều người dân đem vàng đi bán để chốt lời. Đặc biệt, khi giá vàng SJC đang cao hơn giá các thương hiệu khác từ 13 - 14 triệu đồng/lượng và cũng cao hơn giá vàng thế giới.

Để hạn chế sự chênh lệch, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Bởi nghị định này quy định Ngân hàng Nhà nước quản lý xuất nhập khẩu vàng miếng nhưng từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng.

"Nghị định 24 đã thực hiện tốt vai trò lịch sử của mình trong vai trò chống vàng hóa, chống USD hóa. Cung thấp và cầu gia tăng nên có độ cách biệt khá lớn, lên tới 20 - 25% thì tôi cho rằng, đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để có chính sách hiệu chỉnh sao cho như tinh thần Nghị định 24 là vai trò ổn định, can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước", ông Trương Văn Phước - Nguyên quyền Chủ tịch Ủy Ban giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành hơn 10 năm trước đã phát huy nhiều tác dụng tốt, song cũng trở nên tương đối lỗi thời, cần chỉnh sửa cho phù hợp.

"Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần giảm bớt kiểm soát vàng nữ trang. Riêng với vàng miếng SJC, nhiều đơn vị kinh doanh vàng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần bỏ độc quyền vàng miếng SJC, mà cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất vàng miếng để thị trường trở lại bình thường", ông Huỳnh Trung Khánh đề nghị.

Theo ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, cần thiết sẽ có phương án can thiệp. Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 và đề xuất giải pháp quản lý thị trường phù hợp với diễn biến trong tình tình mới. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan khác để quản lý hiệu quả và bình ổn thị trường.

Từng trao đổi về vấn đề kinh doanh độc quyền vàng trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lý giải, trước đây thị trường vàng gây nhiều hệ lụy, bất ổn nền kinh tế nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 với chủ trương chống vàng hóa.

Trong đó, Nghị định 24 có chính sách quan trọng là Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình sản xuất vàng miếng, có rất nhiều thương hiệu khác nhau song SJC chiếm trên 90% trên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc lựa chọn thương hiệu nào để sản xuất, lựa chọn thương hiệu riêng hay chọn thương hiệu khác. Tuy nhiên, sau khi phân tích đánh giá lợi ích, chi phí, nếu chọn một thương hiệu riêng của Ngân hàng Nhà nước hoặc một thương hiệu khác thì người dân sẽ chuyển đổi vàng đang chiếm 90% trên thị trường sang thương hiệu khác.

Việc này mất rất nhiều chi phí của xã hội vào việc không cần thiết. Chính vì vậy, sau Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công, dưới sự quản lý chặt chẽ của đơn vị này.

Bà Hồng cũng khẳng định, với vai trò quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết giá vàng nếu thấy cần thiết, tuy nhiên chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.

Theo: Báo Công Thương