Giá vàng bất ngờ tăng vọt sau phiên đấu thầu của NHNN, cần thêm biện pháp thương mại?

(Banker.vn) Ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phiên đấu thầu vàng miếng lần đầu tiên sau gần 11 năm. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp “hạ nhiệt” thị trường đang “nóng” trong nhiều ngày qua. Mặc dù vậy, sau phiên đấu thầu, giá vàng lại bất ngờ tăng vọt.

Sau khoảng thời gian dài giá vàng trong nước tạo “cơn sốt” từ cuối năm 2023 đến nay, theo đó đã gây ra nhiều rủi ro cho thị trường. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện đấu thầu vàng miếng trở lại sau gần 11 năm tạm dừng, động thái này được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt “cơn sốt” của thị trường.

Giá vàng bất ngờ tăng vọt sau phiên đấu thầu của NHNN, cần thêm biện pháp thương mại?
Hình minh họa.

Theo dự kiến ban đầu, phiên đấu thầu đầu tiên được thực hiện trong ngày 22/4. Mặc dù vậy, kế hoạch không thành công khi không đủ lượng thành viên đăng ký và đặt cọc. Theo đó, phiên đấu thầu được Nhà điều hành ra thông báo chuyển sang ngày 23/4.

Trong phiên đầu thầu ngày 23/4, số lượng vàng được bán rất thấp với chỉ 2 người mua. Đáng chú ý, sau khi phiên đấu thầu hoàn tất, giá vàng SJC lại bất ngờ tăng vọt, đà tăng mạnh còn được duy trì sang tới ngày 24/4.

Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 24/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 82,00 – 84,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng tới 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng đi lên đáng kể. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu rồng Thăng Long được điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra lên 73,78– 75,48 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại SJC, giá vàng nhẫn SJC 9999 cũng tăng 200.000 đồng/lượng, lên mức 73,1 – 75,0 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Đáng chú ý, giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn đang tiếp tục suy yếu. Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng có thời điểm chỉ còn 1.311 USD/ounce, sau đó phục hồi nhẹ. Tới phiên giao dịch sáng nay ở thị trường châu Á, giá vàng mất thêm 2 USD/ounce, chỉ còn 2.319 USD/ounce.

Ở mức này của vàng thế giới, quy đổi theo tỷ giá hiện tại đạt 72,32 triệu đồng/lượng. Như vậy, ước tính giá vàng SJC trong nước đắt hơn giá thế giới khoảng 11,50 triệu đồng/lượng, tăng mạnh so với con số hơn 10 triệu đồng/lượng ngày hôm qua. Có thể thấy chênh lệch giữa hai thị trường đang bị nới rộng hơn mỗi ngày.

Cần biện pháp thương mại

Theo giới chuyên gia, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý. Trong khi xoá bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới cần biện pháp thương mại và cũng theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, việc đều đặn bổ sung nguồn cung bằng cho cách cho nhập khẩu vàng sẽ giúp chênh lệch giá vàng thu hẹp.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng để cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp, trước hết cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Để thực hiện được, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng, từ đó có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh việc cho nhập khẩu vàng, nhiều ý kiến chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng.

GS-TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng cần đánh thuế hoạt động đầu tư vàng, mức thuế suất phải hợp lý để phát triển thị trường vàng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.

"Mọi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ ghi nhận giao dịch. Trước đây, hóa đơn được thực hiện bằng bản giấy, kể từ ngày 15/7/2022 được thực hiện bằng hóa đơn điện tử. Ngay cả hoạt động kinh doanh xăng dầu bán lẻ, kể từ ngày 1/4/2024 bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Nếu mua bán vàng mà không thực hiện thì không công bằng với các mặt hàng khác", ông Đạt nói.

Mới đây, NHNN yêu cầu tất cả doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng phải thực hiện hóa đơn điện tử trong giao dịch mua - bán vàng. Giao dịch được xác lập bằng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng kết nối với cơ quan thuế, thì mọi giao dịch mua vào - bán ra được ghi nhận, từ đó sẽ thu được thuế. Còn thu với tỷ lệ bao nhiêu, thu thế nào, cơ quan thuế sẽ tính toán để bảo đảm phát triển thị trường vàng, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Còn dư 13.400 lượng vàng sau phiên đấu thầu sáng nay

Có 7 NHTM và 4 công ty vàng bạc đá quý tham gia đấu thầu vàng miếng ngày hôm nay (23/4). Tuy nhiên, chỉ có ...

Thêm nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá của NHNN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thêm động thái can thiệp, đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường trước đà tăng ...

Vân Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán