Gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha

(Banker.vn) Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Thứ trưởng Phan Thị Thắng tháp tùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm chính thức Tây Ban Nha Mặt hàng nào giúp Việt Nam xuất siêu sang Tây Ban Nha? EVFTA: "Chất xúc tác" thúc đẩy thương mại Việt Nam - Tây Ban Nha

Nhiều triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư

Ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha - cho biết, quan hệ ngoại thương Việt Nam - Tây Ban Nha thời gian qua chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, tình trạng đứt gãy nguồn cung và lạm phát tăng cao ở khu vực đồng Euro...

Tuy nhiên thực hiện chỉ đạo sát sao và kịp thời của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các đơn vị chức năng của Bộ, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại - đầu tư và kết nối giao thương, qua đó đã góp phần từng bước khôi phục lại đà tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Tây Ban Nha.

Gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha
8 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm từ cao su sang Tây Ban Nha tăng 64,4%

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Tây Ban Nha đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,51 tỷ USD, nhập khẩu đạt 0,47 tỷ USD, xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao.

Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong bối cảnh nhiều thị trường lớn bị sụt giảm/tăng trưởng âm so với cùng kỳ” - ông Vũ Chiến Thắng đánh giá và cho biết, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp sang Tây Ban Nha tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan bao gồm: Sản phẩm từ cao su (64,4%), hàng du lịch (64,2%), hàng dệt may (44,1%), giày dép các loại (33,2%), phương tiện vận tải-phụ tùng (14,1%), và đồ chơi - dụng cụ thể thao - bộ phận (141,8%).

Cũng theo Thương vụ, hiện tại Việt Nam vẫn duy trì là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau các đối tác vốn được xem là chiến lược của bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, xếp trên tất cả các nước ASEAN khác.

Nhận định về quan hệ ngoại thương giữa hai nước trong thời gian tới, ông Vũ Chiến Thắng cho rằng, hai bên còn nhiều dư địa để khai thác thị trường của nhau. Bởi, hiện tại kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Tây Ban Nha mới chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng kim ngạch thương mại của Tây Ban Nha với thế giới và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha cũng chỉ chưa đầy 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Tây Ban Nha từ thế giới.

Các cơ hội tiềm năng thể hiện rõ ở việc tại khu vực châu Âu, Tây Ban Nha là thị trường tiêu thụ lớn cho tất cả các ngành hàng tiêu dùng xuất khẩu của Việt Nam vì quy mô dân số đông trên 47 triệu người và thu nhập bình quân khá cao (khoảng 36,7 ngàn USD/năm). Không những vậy, Tây Ban Nha cũng là thị trường ngách giàu tiềm năng cho tiêu thụ nội địa trực tiếp các sản phẩm nông thủy sản và rau quả nhiệt đới của nước ta, nhất là các sản phẩm trái vụ và các sản phẩm thô là đầu vào phù hợp cho nền công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu rất phát triển tại Tây Ban Nha, ông Thắng thông tin.

Chưa kể, đây là thị trường hàng năm thu hút bình quân trên 80 triệu lượt khách quốc tế với công nghiệp dịch vụ du lịch, cơ sở nghỉ dưỡng và ẩm thực hàng đầu châu Âu... Do đó, đây là cơ hội thị trường cho các ngành hàng du lịch (bao gồm túi xách, vali, ví, mũ, ô, dù; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây, tre, cói, thảm), dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thực phẩm nguyên liệu, cà phê và sản phẩm gia vị.

Đẩy mạnh kết nối giao thương

Tuy nhiên, theo ông Vũ Chiến Thắng, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha sẽ đối diện với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh thị trường ngày càng lớn khi EU và Tây Ban Nha đang ưu tiên thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định FTA giữa EU với Chile, Mexico và các nước khối Mercosur, và đã nối lại đàm phán các hiệp định FTA với các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia và Philipine.

Thêm vào đó, hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ chính, nhất là đối với hàng thủy sản, rau quả, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ đến từ châu Mỹ Latinh và Bắc Phi - nơi có các ưu thế vượt trội về địa lý, chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa và sẵn có mối quan hệ truyền thống đặc biệt với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha

Ngoài ra, cộng đồng kiều bào tại Tây Ban Nha còn nhỏ bé (thống kê chính thức vào khoảng 3 ngàn người) và nhất là chưa có doanh nhân Việt kiều đủ lớn để có thể nhập khẩu hàng hóa một cách thường xuyên hay giá trị hợp đồng đáng kể với trong nước... cũng là một trong nhiều rào cản, thách thức để đưa hàng Việt Nam sang thị trường này.

Gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha
Gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha
Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư lồng ghép với các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt khai thác tốt thị trường

Do vậy, để gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại đây đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh là nhiệm ưu vụ được ưu tiên hàng đầu.

Mới đây nhất, từ 3-5/10, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã tham gia Hội chợ Rau quả Quốc tế 2023 (Fruit Attraction 2023) tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Madrid (IFEMA), thành phố Madrid. Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức vào đầu tháng 10 hàng năm với quy mô trưng bày chuyên về ngành hàng rau quả thuộc diện lớn nhất châu Âu hiện nay. Ngay tại Hội chợ, Thương vụ đã trao đổi với đại diện Cảng vụ Algeciras (nằm ở phía Nam của Tây Ban Nha) về việc tăng cường phối hợp tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và giải quyết các vấn đề phát sinh tại cảng đối với hàng hóa nhập khẩu đến từ Việt Nam, từ đó mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.

Đưa ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ giao thương giữa hai nước trong thời gian tới, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để chủ động các kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khẳng định, Thương vụ sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, để doanh nghiệp chủ động các kế hoạch khai thác thị trường, tận dụng có hiệu quả các FTA.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương