Gia tăng kết nối các tỉnh, thành trên sàn thương mại điện tử hợp nhất

(Banker.vn) Năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương sẽ kết nối 6 vùng kinh tế lên sàn thương mại điện tử hợp nhất- Sàn Việt.
Thương mại điện tử Việt Nam có chiều hướng bứt phá Chuyên gia tiết lộ bí quyết tăng doanh số trên các sàn thương mại điện tử Lạng Sơn: Xử phạt 2 cơ sở kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

Thông tin tại Hội nghị tập huấn “Kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và kiến thức livestream” vừa được tổ chức tại Gia Lai, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (EcomViet) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, để phát triển thương mại điện tử trên cả nước, cơ quan quản lý đã triển khai mô hình sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành có tên gọi Sàn Việt. Đây là giải pháp chung tay của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương quảng bá giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng miền, thúc đẩy liên kết vùng qua thương mại điện tử.

Năm 2023, Sàn Việt đã kết nối được 7 sàn thương mại điện tử địa phương thuộc 4 vùng kinh tế, với 300 sản phẩm. “Trong năm 2024, EcomViet đang kết nối sàn thương mại điện tử Bắc Ninh, Đồng Nai và Gia Lai với mục tiêu kết nối đủ 6 vùng kinh tế lên Sàn Việt, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử” - ông Thành nhấn mạnh.

Gia tăng kết nối các tỉnh, thành trên sàn thương mại điện tử hợp nhất
Tập huấn “Kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và kiến thức livestream” tại Gia Lai

Cùng với phát triển liên kết các sàn thương mại điện tử địa phương, EcomViet cũng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thành tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh trên môi trường số. Tại các sự kiện này, Ecomviet không chỉ thực hiện giới thiệu tổng quan về tình hình thực tế và tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam và các địa phương mà còn đưa ra những khuyến nghị đối với người bán và người mua trong lĩnh vực thương mại điện tử; Phân tích hành vi người tiêu dùng và kế hoạch kinh doanh trực tuyến phù hợp, hiệu quả.

Đơn cử như tại Hội nghị tập huấn “Kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và kiến thức livestream” vừa được tổ chức tại Gia Lai, các học viên đã được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ để trang bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh những kỹ năng mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Những kịch bản cơ bản của từng phiên livestream đã được chuyên gia trong lĩnh vực này chia sẻ, góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn nắm được những thao tác bán hàng trực tiếp, cách xây dựng các video quảng bá thương hiệu sản phẩm đơn giản mà hiệu quả, giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương và đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm đặc trưng của địa phương trên môi trường trực tuyến.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục