Ngành mía đường đã ghi nhận sự "hồi sinh"
Thông tin về niên vụ sản xuất mía đường 2023/24, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho hay, ngành mía đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2023/2024 trong tháng 6/2024.
Sản lượng kết thúc vụ đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2022/2023 sản lượng mía ép đạt 117,9% và sản lượng đường đạt 118,4%. So sánh với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166% và sản lượng đường đạt mức tăng 161%.
Nông dân xã Quảng Phú (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) chăm sóc cây mía. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Điều này cho thấy, kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 2021, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể, với giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), hiện nay, đã đến mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn mía là mức tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lộc, về năng suất đường, với mức tăng trưởng 4 vụ liên tiếp, lần đầu tiên ngành mía đường Việt Nam đạt đến mốc năng suất đường 6,79 tấn đường/ha. Đối sánh với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, thành tích nêu trên đã lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực.
Vẫn còn những khó khăn không nhỏ
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lộc, trong niên vụ 2023/2024, giá đường thô thế giới đạt mức cao nhất trong tháng 11/2023 với mức 28 USD cent/lb và sau đó giảm liên tục xuống mức 19 USD cent/lb hiện nay (giảm 47%). Sự giảm giá của thị trường đường quốc tế đã giảm giá đường nhập lậu, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường đường trong nước.
Trong khi Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế đối với mặt hàng đường, thì sự không nghiêm túc của các đối tác trong khu vực đã gây ảnh hưởng tiêu cực, đe dọa đến sự tồn tại của ngành mía đường Việt Nam. Điển hình là hành vi gian lận khai báo xuất xứ và dấu hiệu bán phá giá mặt hàng đường vào thị trường Việt Nam của Indonesia; hoặc Thái Lan vẫn thực hiện phương thức hai giá để xuất khẩu lượng đường thừa qua Campuchia và Lào....
Sự bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô HFCS với mức nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023 là 231.000 tấn. Với độ ngọt từ 1,3 lần đến 1,6 lần so với đường đã “ăn mất” thị phần đường trong ngành nước giải khát tương đương khối lượng 300.000 tấn đường của ngành đường Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ hoạt động nhập lậu đường trong niên vụ 2023/24. Rất nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại hầu như tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, các kẽ hở pháp luật trong việc đấu giá đường bị tịch thu và sự buông lỏng kiểm soát ghi nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ đang bị các đối tượng kinh doanh phi pháp lợi dụng công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn còn thiếu hiệu quả.
Dưới áp lực của đường lỏng siro ngô HFCS nhập khẩu và đường nhập lậu, thị trường đường luôn trong tình trạng thừa cung, đường sản xuất từ mía khó tiêu thụ, đe dọa sự tồn tại của chuỗi liên kết mía - đường.
Diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong niên vụ 2023/24 cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất. Như vậy, trong vụ ép 2023/24, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.
Ông Nguyễn Văn Lộc cho hay, vụ chế biến 2024/2025, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023/2024, với tổng công suất thiết kế là 124.000 tấn mía/ngày. Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2024/2025 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2023/2024 như sau: Diện tích mía thu hoạch tăng 107%; Sản lượng mía chế biến tăng 105%; Sản lượng đường tăng 105%.
Niên vụ 2024/2025 dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức đối với ngành đường Việt Nam khi phải đối phó với hiện tượng La Nina dự kiến sẽ bắt đầu có tác động trong niên vụ, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, tình hình lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS.
Về một số nhiệm vụ ngành mía đường cần tập trung thực hiện trong niên vụ tới và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, ngành mía đường cần củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa. Phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường. Ổn định vùng nguyên liệu mía trong điều kiện biến đổi khí hậu. Triển khai chương trình tuyển chọn giống mía.
Để ngành mía đường Việt Nam có thể tổ chức triển khai, thực hiện thành công Chỉ thị nêu trên, trong bối cảnh một số cam kết quốc tế chưa được các đối tác tuân thủ nghiêm túc, nhiều quy định pháp luật trong việc quản lý tiêu thụ mặt hàng đường chưa được tuân thủ đầy đủ và chuỗi liên kết sản xuất mía đường thường xuyên phải chịu sức ép của các hành vi gian lận thương mại, ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, hợp lý và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật cũng như định hướng phát triển của nhà nước.