Gia Lai: Đưa nông sản, thực phẩm huyện miền núi Kbang đến với người tiêu dùng

(Banker.vn) Nông sản, thực phẩm của bà con miền núi huyện Kbang đã được quảng bá đến người tiêu dùng trong khuôn khổ Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2024.
Kênh phân phối Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc Nâng cao chất lượng nông sản miền núi, mở rộng đầu ra cho sản phẩm

“Hội chợ nông sản, thực phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024” của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã được tổ chức từ ngày 31/7 đến 2/8, trong khuôn khổ Ngày hội du lịch huyện Kbang năm 2024.

Gia Lai: Đưa nông sản, thực phẩm huyện miền núi Kbang đến với người tiêu dùng
Hội chợ nông sản, thực phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 huyện Kbang (Ảnh: Ngọc Minh)

Hội chợ có sự tham gia của 232 gian hàng của các đơn vị: hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn, với hơn 21 loài thảo dược, sản phẩm quý hiếm được thu hái dưới tán rừng, 12 loại sản phẩm có hạt, 13 loại trái cây, 15 loài rau, 7 loại thịt cá tươi sống, 8 ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Trong đó, nhiều loại nông lâm đặc sản, thực phẩm có thế mạnh của huyện Kbang được đăng ký nhãn hiệu, được thị trường cả nước biết đến, như: các loại sâm rừng, nấm rừng, cây dược liệu, mật ong rừng thiên nhiên, mật nhân, cam, hạt mắc-ca, gạo lứt đỏ, gạo Sơ Pai, heo đen… Hội chợ đã thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách đến tham quan và mua sắm và ký kết hợp tác trao đổi hàng hóa.

Hội chợ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch và chất lượng tốt, góp phần đẩy mạnh liên kết cùng phát triển. Đồng thời cũng là dịp để huyện Kbang thu hút khách du lịch đến với địa bàn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn thực hiện Đề án đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh, nâng cao đời sống cho người dân của tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Việc tổ chức hội chợ nông sản, thực phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Kbang năm 2024 sẽ tạo điều kiện để huyện Kbang và các huyện bạn gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống các dân tộc, những đặc sản đặc trưng của huyện.

Đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận và giới thiệu sản phẩm đến du khách, tạo ra chuỗi các hoạt động phong phú, đa dạng, đặc sắc nhằm nhấn mạnh Kbang luôn là điểm đến "an toàn - hấp dẫn - thân thiện" với du khách trong và ngoài tỉnh.

Kbang có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đa dạng, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Hiện toàn tỉnh có 3.100 cây mắc ca, được người tiêu dùng cả nước đánh giá cao về hương vị và giá trị dinh dưỡng. Các loại cây cam, quýt đã mở rộng diện tích lên gần 130 ha, được nhiều người biết đến với thương hiệu cam Sơn Lang.

Việc chuyển đổi giống lúa mới gắn với xây dựng cánh đồng lúa một giống đã nâng cao chất lượng lúa gạo trên địa bàn. Gạo ST24, ST25 Sơ Pai đã được nhiều người biết đến. Hay sản phẩm măng le rừng Kbang được thu hái 100% từ tự nhiên, là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết.

Đến nay, toàn huyện có 64 ha cây ăn quả và rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; mô hình vườn cây ăn quả canh tác theo hướng hữu cơ được nhân rộng. Toàn huyện có 18 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao. Từ những lợi thế đó, các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương