Giá hồ tiêu chứng kiến một tuần sóng gió

(Banker.vn) Giá hồ tiêu chứng kiến một tuần sóng gió khi có thời điểm giảm xuống mức 135.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.
Giá tiêu liệu có bùng nổ trước cơn ‘bão lặng’? Dự báo giá tiêu ngày 12/8/2024: Tiếp đà tăng cao, lượng hàng trong dân không còn nhiều Giá tiêu hôm nay 12/8/2024: Duy trì đà tăng ở các địa phương, tiêu Brazil bất ngờ giảm mạnh

Tuần sóng gió của hồ tiêu Việt

Thị trường hồ tiêu tuần qua (từ 5 - 11/8) rung lắc mạnh khi ngày 6/8, giá hồ tiêu lao dốc xuống còn khoảng 140.000 - 141.000 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, giá tiêu ngày 6/8 được thu mua với mức 141.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Tương tự, tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu cũng đứng ở mức 140.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg. Đây là mức giảm sâu nhất trong suốt gần 2 tháng qua.

Giá hồ tiêu chứng kiến một tuần sóng gió
Giá hồ tiêu chứng kiến một tuần sóng gió. Ảnh minh họa

Đà giảm được tiếp nối vào ngày 7/8, với mức giảm từ 1.000 - 4.000 đồng/kg ở một vài địa phương so với ngày trước đó và ghi nhận giao dịch quanh mốc 137.000 -139.000 đồng/kg; giá mua cao nhất tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai là 139.000 đồng/kg.

Ngày 8/8, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu tiếp tục giảm 2.000 đồng/kg ở một vài địa phương so với ngày trước đó và giao dịch quanh mốc 135.000 -137.000 đồng/kg, trong đó, mức giá mua cao nhất tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai là 137.000 đồng/kg.

Thị trường hồ tiêu sau đó phục hồi tăng nhẹ và dao động ở vùng giá 141.000 - 142.000 đồng/kg những ngày cuối tuần. Giá hồ tiêu chứng kiến một tuần sóng gió.

Tình hình mùa vụ, sản lượng hồ tiêu các nước đã tác động mạnh đến giá tiêu trong nước. Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Brazil đang tiếp tục thu hoạch hồ tiêu tại vùng Espírito Santo và tháng 11 tại vùng Para, ước tính, cả nước sẽ thu thêm khoảng 60 nghìn tấn nữa. Bên cạnh đó, thông tin thị trường Indonesia bước vào vụ mùa thu hoạch dự kiến vào tháng 8 (chậm hơn mọi năm là từ tháng 7) có lẽ là yếu tố kéo giá hồ tiêu trong nước hạ nhiệt.

Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm tiếp tục gây áp lực lên giá. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 143 nghìn tấn hồ tiêu các loại. So với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170 nghìn tấn, sản lượng còn lại ước đạt khoảng gần 28 nghìn tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40 - 45 nghìn tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch).

Dự báo, giá tiêu sẽ tiếp tục biến động bất thường

Ngày đầu tuần mới (12/8), giá tiêu đã tiếp đà tăng nhẹ từ 3.000 - 4.500 đồng/kg tại một số địa phương ở vùng trồng trọng điểm và dao động quanh vùng giá 145.000 - 146.500 đồng/kg.

Tại Việt Nam, mùa vụ thu hoạch cà phê được bắt đầu từ đầu tháng 1 và sau Tết Nguyên đán người nông dân bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Như vậy, vẫn còn 7 - 8 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mới (dự kiến sau Tết nguyên đán, từ tháng 2/2025), trong khi lượng hàng còn trong dân và đại lý, doanh nghiệp không còn nhiều. Trong "bức tranh" chung của ngành hồ tiêu thế giới cho thấy, thị trường đang đối diện với "bài toán" thiếu nguồn cung. Việc này sẽ đẩy giá hồ tiêu trong nước tiếp tục tăng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, giá hồ tiêu năm nay tăng trở lại, song người dân không bị áp lực bán sớm như những năm trước bởi giá cà phê, sầu riêng đều tăng cao, nhiều hộ có thu nhập ổn định. Giá hồ tiêu tuần qua dù có biến động bất thường nhưng vẫn trong chiều hướng đang phục hồi tăng trở lại là tín hiệu lạc quan mang đến nhiều hy vọng cho người trồng. Dự báo, giá tiêu sẽ tiếp tục biến động bất thường trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, ngành hồ tiêu trong nước đang trên đà phát triển, với cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng và chú trọng đến quy trình sơ chế, chế biến, để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để người dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu thâm canh theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế.

Về việc này, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam - chia sẻ, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 55% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới. Với năng lực chế biến đạt 140.000 tấn/năm như hiện nay, Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng cao hơn tỷ lệ hàng xuất khẩu qua chế biến (hiện tỷ lệ hàng chế biến chỉ đạt 30%). Việc gia tăng chế biến sâu sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm, tăng chất lượng và giá trị, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị... là những giải pháp để vực dậy ngành hồ tiêu.

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa công bố cho hay, trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 129,9 triệu USD.

Tính chung, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 164.357 tấn, trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 652,0 triệu USD, tiêu trắng đạt 112,2 triệu USD.

So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 2,2%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng lần lượt 32,7% đối với tiêu đen và 25,0% USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, 7 tháng tăng 48,4% và chiếm 26,4% thị phần, đạt 43.349 tấn. Tiếp theo là các thị trường: Đức đạt 10.941 tấn, tăng 97,3%; UAE đạt 10.897 tấn, tăng 39,2%; Ấn Độ đạt 8.744 tấn, tăng 39,7%; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 4 đạt 8.059 tấn, so cùng kỳ năm trước giảm 84,6%.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương