Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh, dòng tiền chuyển sang nhóm năng lượng

(Banker.vn) Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (18 - 22/3) sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng. Chốt tuần, sắc xanh bao trùm 3/4 nhóm mặt hàng hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng thêm 0,14% lên 2.213 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình tuần ở mức 6.700 tỷ đồng mỗi ngày.
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh, dòng tiền chuyển sang nhóm năng lượng

Nhóm nguyên liệu công nghiệp

Khép lại tuần giao dịch 18 - 24/3, nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hoá. Trong đó, giá Robusta tăng 1,51%, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp và chạm mức giá cao nhất trong 30 năm. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung là chất xúc tác chính thúc đẩy lực tăng giá Robusta trong tuần qua.

Khô nóng kéo dài tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đang khiến thị trường có cái nhìn tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 24/25. Hơn thế, tồn kho gần như cạn kiệt khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn. Công ty Marex Group dự báo thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu trong niên vụ 24/25 là 2,7 triệu bao, chủ yếu đến từ sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh, dòng tiền chuyển sang nhóm năng lượng

Theo sau Robusta, giá Arabica tăng 1,04% so với tham chiếu. Tuy nhiên, trong tuần diễn biến giá khá giằng co khi ghi nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen. Áp lực từ sự phục hồi của nguồn cung kết hợp với hỗ trợ từ việc đồng USD suy yếu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay đã khiến giá có nhiều biến động.

Giá ca cao tiếp tục tăng mạnh 11,5%, tạo đỉnh cao mới trong lịch sử. Lo ngại về tình hình thiếu hụt nguồn cung trên thị trường tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy giá tăng.

Giá dầu cọ suy yếu 0,82%, chấm dứt chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp. Thị trường phản ứng rõ nét hơn về triển vọng nguồn cung tích cực tại Malaysia. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ ở Bán đảo Nam (SPPOMA), sản lượng tại nước này trong 20 ngày đầu tháng 3 tăng 22,4% so với cùng kỳ tháng trước.

Giá đường 11 đánh mất 1,22% nhờ số liệu xuất khẩu tích cực từ Brazil. Công ty hậu cần CLI cho biết, lượng đường xuất khẩu trong năm nay của nước này có thể tăng hơn 1 triệu tấn lên tới 9,5 triệu tấn. Với vị thế là quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu, điều này góp phần hỗ trợ nguồn cung đường nới lỏng hơn trong thời gian tới.

Nhóm năng lượng

Kết thúc tuần giao dịch ngày 18 – 24/3, giá dầu ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, mức tăng không quá mạnh khi yếu tố vĩ mô cản trở một phần đà tăng giá dầu. Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 0,06% lên 80,63 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,11% lên 85,43 USD/thùng.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh, dòng tiền chuyển sang nhóm năng lượng

Nguồn cung các sản phẩm tinh chế đang bị hạn chế hơn sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các cơ sở lọc dầu của Nga, đẩy tỷ lệ lọc dầu của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới xuống mức thấp nhất trong 10 tháng. Cụ thể, các nhà máy lọc dầu Nga đã xử lý 5,03 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ ngày 14 đến 20/3, theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp. Con số này giảm hơn 400.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong 13 ngày đầu tháng.

Ngân hàng JPMorgan Chase cho biết 900.000 thùng/ngày công suất lọc dầu của Nga có thể ngừng hoạt động trong vài tuần, hoặc thậm chí là vài tháng do ảnh hưởng của các cuộc tấn công, khiến giá dầu tăng thêm 4 USD/thùng phí bảo hiểm rủi ro.

Nhà phân tích năng lượng Alex Hodes của StoneX cũng ước tính rằng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga có thể khiến nguồn cung xăng toàn cầu giảm khoảng 350.000 thùng/ngày và đẩy giá dầu WTI tăng thêm 3 USD/thùng.

Thêm vào cuộc khủng hoảng, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang từ chối nhận dầu thô của Nga được vận chuyển trên các tàu chở dầu PJSC Sovcomflot do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều đó đã thúc đẩy thêm lực mua trên thị trường trong tuần qua.

Ngoài ra, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống còn 3,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới để bù đắp cho việc vượt quá hạn ngạch OPEC + kể từ tháng 1. Trước đó, Iraq đã bơm khoảng 4,2 triệu thùng dầu/ngày, so với mục tiêu sản lượng 4 triệu thùng/ngày. Trong bối cảnh OPEC+ tiếp tục thắt chặt nguồn cung, tín hiệu từ phía Iraq làm gia tăng rủi ro thâm hụt, từ đó đẩy giá dầu lên cao.

Tuy nhiên, cản trở đà tăng gần đây của dầu thô là sức mạnh của đồng USD. Cụ thể, chỉ số Dollar Index (DXY), thước đo giá trị đồng USD đã tăng gần 1% trong tuần qua lên mức cao nhất trong một tháng qua. Nguyên nhân là do quyết định cắt giảm lãi suất bất ngờ từ phía Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB), khiến tỷ giá CHF/USD duy trì ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Đồng USD mạnh hơn khiến mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lực bán trở nên rõ rệt hơn vào các phiên cuối tuần, hạn chế mức tăng tích luỹ của giá dầu trong các phiên đầu tuần trước.

Nhóm kim loại

Khép lại tuần giao dịch 18 – 24/3, trên thị trường kim loại ghi nhận biến động khá mạnh, nổi bật nhất là sự bứt phá hơn 8% của giá quặng sắt. Đối với kim loại quý, cả giá bạc và giá bạch kim đều quay đầu giảm do áp lực vĩ mô. Giá bạch kim đánh mất mốc 900 USD, đóng cửa tuần tại mức 898,4 USD/ounce sau khi giảm 4,78%, mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây. Trong khi đó, giá bạc để mất 2,12% về 24,84 USD/ounce.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh, dòng tiền chuyển sang nhóm năng lượng

Tâm điểm thị trường tuần qua thuộc về cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 19 – 20/3. Trước thềm cuộc họp diễn ra, giá kim loại quý liên tục suy yếu bởi tâm lý thận trọng của thị trường. Tuy vậy, đà giảm của giá bạc và giá bạch kim dần thu hẹp sau khi FED công bố quyết định lãi suất. Cụ thể, bất chấp lạm phát tại Mỹ tăng cao trong hai tháng đầu năm, các quan chức vẫn giữ nguyên kỳ vọng cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay giống như dự báo trong cuộc họp tháng 12. Điều này giúp xóa tan những lo ngại của một bộ phận nhà đầu tư khi họ cho rằng FED chỉ thực hiện một đến hai lần cắt giảm. Tâm lý lạc quan này đã kéo dòng tiền quay lại thị trường.

Tuy nhiên, tới hai phiên cuối tuần, giá bạc và giá bạch kim giảm trở lại do sự mạnh lên của đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index chốt tuần tăng 0,96% lên 104,43 điểm, cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây. Đồng USD tăng mạnh nhờ một loạt dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt.

Đối với kim loại cơ bản, sau khi leo lên vùng đỉnh 11 tháng, giá đồng COMEX đảo chiều giảm trở lại, chốt tuần tại mức 4 USD/pound sau khi để mất 2,84%. Đồng USD tăng giá cũng là yếu tố gây áp lực lên giá đồng. Hơn nữa, rủi ro nguồn cung được xoa dịu càng làm hạn chế lực mua đồng. Báo cáo của Nhóm Nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG) cho thấy thị trường đồng tinh chế toàn cầu dư thừa 84.000 tấn trong tháng 1/2024, cao hơn nhiều so với mức dư thừa 27.000 tấn ghi nhận vào tháng 12/2023.

Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt phục hồi mạnh mẽ trong tuần trước, chốt tuần tại mức 107,11 USD/tấn nhờ tăng 8,13%.

Nhóm nông sản

Khép lại tuần giao dịch ngày 24/3, các mặt hàng nông sản diễn biến tương đối trái chiều nhau. Đáng chú ý nhất là lúa mì, mặt hàng tăng mạnh nhất cả nhóm khi nhảy vọt tới gần 5% trong tuần qua. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương mặc dù diễn biến rung lắc mạnh nhưng chỉ kết tuần với mức thay đổi không đáng kể.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh, dòng tiền chuyển sang nhóm năng lượng

Đậu tương hợp đồng tháng 5 ghi nhận mức giảm nhẹ 0,48%, kết thúc chuỗi 3 tuần hồi phục liên tiếp. Theo tiến sĩ Cordonnier, một chuyên gia lĩnh vực nông sản khu vực Nam Mỹ. lượng mưa trên khắp Argentina dự kiến sẽ hạn chế hơn trong tuần tới. Triển vọng thời tiết khô hơn sẽ giúp cây trồng hồi phục sau ngập úng và thúc đẩy tiến độ thu hoạch trong những tuần tới. Ngoài ra, theo tiến sĩ, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina có thể cao hơn 1 triệu tấn so với ước tính trước đó, đạt 51 triệu tấn, nhờ diện tích trồng sớm ghi nhận năng suất tích cực. Theo đó, những tín hiệu tích cực về triển vọng nguồn cung tại quốc gia Nam Mỹ này đã tác động “bearish” đến giá trong tuần qua.

Đối với ngô, phe mua đã có phần chiếm ưu thế do mối lo ngại của thị trường về tình hình nguồn cung tại Ukraine. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, diện tích trồng ngô năm 2024 của Ukraine sẽ giảm 4,5%, xuống còn 3,863 triệu héc-ta do giá giảm mạnh so với năm ngoái. Con số này cũng phù hợp với dự tính của Liên minh thương nhân ngũ cốc khi cơ quan này cho biết sản lượng ngô năm 2024 có thể giảm xuống 26,3 triệu tấn, so với mức 29,6 triệu tấn của năm ngoái.

Lúa mì bật tăng sau chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp trước đó. Tình hình địa chính trị nóng lên tại khu vực biển Đen và dự báo vụ mùa thấp hơn tại Nga là yếu tố đã giúp lúa mì tăng vọt.

Theo Ukraine, Nga đã tiến hành một cuộc không kích vào cảng Odesa, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nông nghiệp và phá hủy một số tòa nhà của nước này. Đây là cuộc tấn công trở lại của Nga kể từ đầu năm nay, gây ra lo ngại về hoạt động xuất khẩu của Ukraine. Bên cạnh đó, Reuters cho biết nông dân Nga có thể cắt giảm diện tích trồng lúa mì trong năm nay do giá thấp trong khi chi phí đầu vào và thuế xuất khẩu tăng làm giảm lợi nhuận. Điều này có thể khiến nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới giảm trong niên vụ tới, và hỗ trợ giá.

Thị trường hàng hóa thế giới trầm lắng trong ngày nghỉ lễ President's day

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu khá trầm lắng trong ngày 19/2.

Thị trường hàng hóa ngày 22/3: Giá cà phê Robusta lên đỉnh 30 năm

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ...

Điểm tin hàng hóa tiêu dùng trong nước ngày 25/3/2024

Tổng hợp giá các loại hàng hóa tiêu dùng tại một số khu vực, cửa hàng bán lẻ trên cả nước ngày 25/3/2024.

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán