Giá giảm 15%, cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá cao

(Banker.vn) Thời gian gần đây, cổ phiếu ngành Ngân hàng chịu áp lực chốt lời dẫn đến mức giảm 15%. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, cổ phiếu “vua” vẫn được các tổ chức đánh giá cao.

Trong giai đoạn thị trường tăng mạnh, vượt đỉnh 1.400 điểm, cổ phiếu ngành Ngân hàng là một trong những trụ cột chính. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đã giảm điểm và chưa lấy lại được động lực tăng trưởng. Báo cáo phân tích ngành Ngân hàng của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho hay giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh 15% so với mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay tới kết quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta nhìn nhận các cổ phiếu ngành Ngân hàng đã trải qua đợt điều chỉnh mạnh trong nửa đầu tháng 7 và có thể vẫn phải chịu áp lực điều chỉnh do tâm lí chốt lãi gia tăng trước lo ngại chung của thị trường về tăng trưởng thu nhập nửa cuối năm giảm tốc và những bất ổn về tình hình COVID-19.

Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, các phân tích của chuyên gia vẫn đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngân hàng. Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng cũng chính vì giảm giá, cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.

Còn chuyên gia phân tích của Yuanta nhận định về trung và dài hạn, ngành ngân hàng có triển vọng lạc quan với việc tín dụng tăng trưởng mạnh hơn, thu nhập từ phí gia tăng, trích lập dự phòng ổn định; tạo cơ sở giúp ROA tăng lên mức bền vững là 1,8-2%. Ngoài ra, các quy định về vốn hợp lí cho phép các ngân hàng duy trì tỉ lệ đòn bẩy trong bảng cân đối kế toán tốt, vào khoảng 8-10x; điều này giúp các ngân hàng tạo khả năng sinh lời ROE rất tốt, vào khoảng 16-20% (so với các ngân hàng trong khu vực là 10%) trong 5 năm tới.

Kết quả kinh doanh của 17 ngân hàng niêm yết cho thấy tổng thu nhập lãi thuần trong quý II/2021 tăng 46,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được hỗ trợ bởi tín dụng tăng 18,4% so với cùng kỳ và NIM bình quân tăng 109 điểm cơ bản, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 77,3% của quý 1/2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết (có tổng dư nợ vay chiếm 66% tín dụng toàn ngành) tăng 55,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận ròng của 3 ngân hàng niêm yết có vốn Nhà nước là VCB, CTG và BID tăng 42,5% so với cùng kỳ.

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta nhấn mạnh “đừng hoang mang về triển vọng lợi nhuận của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2021”. Khi phân tích ngân hàng, nên nhìn vào xu hướng ROE, mức độ bền vững của ROE và cách ngân hàng quản lí tăng trưởng để đạt mức ROE mục tiêu đó.

Theo đó, lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong nửa sau năm 2021 tăng trưởng chậm lại là điều hoàn toàn hợp lí, sau khi đã tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm 2021 và xét đến nền lợi nhuận trong nửa sau của năm 2020 khi nền kinh tế đã phục hồi lại mức bình thường.

Tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng có thể chịu ảnh hưởng từ yêu cầu cắt giảm lãi suất cho vay nhưng tác động đối với NIM của các ngân hàng là có thể kiểm soát được và không thấp hơn 2020. Trong khi đó, tín dụng sẽ được đẩy mạnh từ quý IV để hỗ trợ phát triển kinh tế. Vì vậy, các ngân hàng đầu ngành có thể được nhận thêm hạn mức tín dụng.

Công ty chứng khoán Yuanta ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng có thể đạt 37% trong kịch bản lạc quan, 33% trong kịch bản cơ sở và 25% trong kịch bản bi quan. Theo đó, ROE trung bình sẽ được duy trì trong từng kịch bản lần lượt là 18,5%, 18,3% và 17,2% (so với mức 17,2% của năm 2020).

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro nhất định khi giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19 lâu hơn dự kiến; hoặc một biến thể khác của chủng virus phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Điều này có thể khiến các ngân hàng ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022. Một rủi ro khác là NIM giảm nhiều hơn dự báo do nhu cầu tín dụng bị suy yếu...

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục