Giá gas hôm nay ngày 21/8/2023: Diễn biến mới

(Banker.vn) Giá gas hôm nay ngày 21/8/2023, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas tăng 1,61%, ở mức 2,59 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2023.
Giá gas hôm nay ngày 17/8/2023: Giảm 0,15%, thị trường khí đốt lo gián đoạn nguồn cung Giá gas hôm nay ngày 18/8/2023: Thế giới giảm nhẹ, trong nước ra sao? Giá xăng dầu dự báo giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày mai 21/8/2023

Mở cửa phiên giao dịch sáng 21/8, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới đã tăng 1,61% lên mức 2,59 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 9/2023.

Giá gas hôm nay ngày 21/8/2023:
Tại thị trường trong nước, từ 1/8/2023, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng ở mức phổ biến từ 26.000-26.500 đồng

Báo Financial Times dẫn lại số liệu từ Cơ quan Hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cho biết, dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt 90,1% công suất tính đến ngày 16/8. Như vậy, dự trữ khí đốt tại EU đã vượt kế hoạch sớm hơn 2 tháng và vượt mục tiêu đạt 90% công suất vào tháng 11/2023. Đồng thời, là mức công suất cao nhất ở thời điểm này trong năm kể từ năm 2016.

Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson chia sẻ, chúng tôi đã đáp ứng các yêu cầu lưu trữ khí trước thời hạn. Điều này, cho thấy EU đã chuẩn bị tốt cho mùa đông và giúp ổn định hơn nữa thị trường trong những tháng tới.

Bà Simson nêu rõ: “Thị trường năng lượng của EU đang ở một vị thế ổn định hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái", nhưng cũng thừa nhận “trong những tuần gần đây chúng ta đã thấy thị trường khí đốt vẫn nhạy cảm” và Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình khi châu lục này chuẩn bị đón thời tiết lạnh hơn.

Châu Âu đã bắt đầu phải tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ khắp nơi trên thế giới để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Số liệu từ Hội đồng châu Âu (EC) cho thấy từ tháng 1 đến tháng 11/2022, nhập khẩu khí đốt qua đường ống và LNG từ Nga chiếm chưa đến 1/4 lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Trước cuộc xung đột tại Ukraine, nguồn cung từ Nga chiếm tới 40%.

Khí đốt của Nga phần lớn đã được thay thế bằng khí đốt nhập khẩu từ Mỹ, Na Uy, Azerbaijan và các nước khác, khiến giá giảm đáng kể so với mức đỉnh năm 2022. Chỉ số định giá khí đốt TTF của Hà Lan đạt 320 euro/megawatt/giờ vào tháng 8 năm ngoái; nhưng chỉ dao động quanh 38 euro trong tuần trước.

Tuy nhiên, chi phí khí đốt vẫn cao hơn so với trước xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm ngoái, với mức giá khi đó dao động khoảng 20 euro mỗi megawatt giờ, nghĩa là hiện nay các hóa đơn thanh toán vẫn lớn hơn cho các hộ gia đình và năng suất thấp hơn cho ngành công nghiệp châu Âu.

Các quan chức châu Âu ước tính, việc lấp đầy được 90% kho dự trữ khí đốt sẽ giúp EU đủ đáp ứng 1/3 nhu cầu trong mùa Đông. Giới chuyên gia cảnh báo thị trường khí đốt có thể vẫn chứng kiến những diễn biến bất thường nếu nhu cầu trên toàn cầu biến động.

Theo Ủy ban Điều tiết Năng lượng Pháp, mức lưu trữ này sẽ chỉ đủ trang trải một phần trong tổng lượng tiêu thụ toàn quốc. Ví dụ, Pháp có 130 TWh công suất lưu trữ khí tự nhiên dưới lòng đất, tức là chưa đến 1/3 tổng mức khí tiêu thụ hàng năm của nước này, khoảng 450 TWh.

Do đó, giống như những quốc gia châu Âu khác, Pháp vẫn sẽ phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu bằng đường ống dẫn khí đốt hoặc tàu chở LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), nhưng không đảm bảo về mặt giá cả.

Còn theo báo cáo của của Bộ Kinh tế Đức, dựa trên giá kỳ hạn vào cuối tháng 6, giá khí đốt bán buôn có thể tăng lên khoảng 50 Euro (54,62 USD) mỗi megawatt giờ trước mùa đông. Báo cáo cho biết, giá khí đốt bán buôn dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong 4 năm tới, trừ khi các biện pháp khẩn cấp bổ sung được thực hiện.

Bộ Kinh tế Đức cam kết sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của thị trường khí đốt để sẵn sàng ứng phó với các vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh với giá cao hơn.

Tại thị trường trong nước, từ 1/8/2023, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng ở mức phổ biến từ 26.000-26.500 đồng.

Tại các công ty kinh doanh gas phía Nam, từ 1/8, giá gas bán lẻ tăng khoảng 2.167 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, tăng 13.000 đồng/bình 6 kg; tăng 26.000 đồng/bình 12 kg; tăng 97.500 đồng/bình 45 kg; tăng 108.000 đồng/bình 50 kg.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/8, giá gas của công ty này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 108.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này tối đa là 411.000 đồng/bình 12kg và 1.711.000 đồng/bình 50kg.

Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cho hay, kể từ ngày 1/8, giá gas của thương hiệu này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 97.515 đồng/bình 45kg.

Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/8, giá bán gas SP tăng 2.208 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 26.500 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas SP 12 kg sẽ được bán ở mức 373.500 đồng bình 12kg.

Tại thị trường Hà Nội, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 8/2023 là 380.160 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.520.640 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 26.360 đồng/bình 12kg và 105.640 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).

Giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Một số yếu tố có thể góp phần vào việc giá gas bao gồm sự gia tăng sản xuất gas, tình hình cung và cầu, cũng như thay đổi trong chính sách và biến động thị trường năng lượng.

Nguyên nhân giá gas bán lẻ tháng 8/2023 tăng giá được nhận định do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 8 ở mức 465 USD/tấn, tăng 77,5 USD/tấn so với tháng 7 nên các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.

Như vậy, sau khi giảm mạnh trong tháng 7 đến 67.500 đồng/bình 45 kg, giá gas tháng 8/2023 tăng trở lại. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 3 lần tăng vào tháng 2, tháng 5 và tháng 8.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương