Giá gas hôm nay 7/6: Giá thế giới tăng nhẹ; trong nước có 4 lần giảm

(Banker.vn) Giá gas hôm nay 7/6, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas tăng nhẹ 0,27% lên mức 2,26 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2023.
Giá gas hôm nay 3/6: Tăng sát ngưỡng 2% bất chấp tồn kho vẫn ở mức cao Giá gas hôm nay 5/6: Cập nhật diễn biến thế giới và trong nước Giá gas hôm nay 6/6: Thị trường gas thế giới bước vào chu kỳ tăng?

BloombergNEF đưa tin, hợp đồng khí đốt tiêu chuẩn giao ngay của Hà Lan đã thanh toán cao hơn 20% ở mức 28,48 EUR/MWh, sau khi tuần trước trượt xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Tương tự, Vương quốc Anh cũng tăng 22%. Sự đột biến có thể báo hiệu mức đáy của thị trường hiện đã đạt đến giới hạn, với việc các nhà giao dịch nhanh chóng di chuyển để xây dựng các vị thế.

Giá gas hôm nay 7/6: Thế giới tăng nhẹ, trong nước có 4 lần giảm
Trạm tiếp nhận khí đốt ở Mecklenburg, Đức

Châu Âu vẫn đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử trầm trọng do việc cắt giảm nguồn cung nghiêm trọng từ Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Hiện tại, khu vực này đã tích lũy hàng tồn kho cao hơn bình thường, do mùa Đông tương đối ôn hòa, nhập khẩu mạnh LNG và nhu cầu ảm đạm.

Hiện tại LNG tồn kho toàn cầu có thể ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu yếu, tuy nhiên những người mua đang mong đợi và ký kết các thỏa thuận cung cấp dài hạn để đảm bảo đủ LNG cho tương lai.

Một thực tế đang xảy ra trên thị trường khí đốt, đó là người châu Âu có thể không ưa chuộng các thỏa thuận dài hạn, trong khi người mua châu Á ở chiều ngược lại. Họ sẽ mua vào và khi mùa cao điểm đến, các công ty lớn ở lục địa này sẽ bán lại LNG cho những người châu Âu.

Theo Wood Mackenzie, kể từ đầu năm nay, các giao dịch dài hạn trị giá khoảng 13 triệu tấn hàng năm đã được chốt, với động lực từ năm ngoái kéo dài sang năm nay. Năm ngoái, công ty nghiên cứu này cho biết, khoảng 81 triệu tấn LNG hàng năm đã được ký hợp đồng theo các thỏa thuận cung cấp dài hạn.

Trong số các thỏa thuận được ký kết trong năm nay có hợp đồng 20 năm của Trung Quốc với Venture Global (Mỹ). Công ty sẽ cung cấp 2 tấn LNG hàng năm cho China Gas Holdings (Trung Quốc) bắt đầu từ năm 2027. Ngoài ra, quốc gia này cũng có hợp đồng 25 năm với Energy Transfer (Mỹ) để cung cấp 700.000 tấn LNG hàng năm,

Cuộc đua tranh giành nhập khẩu xuất hiện sau khi giá LNG trên thị trường giao ngay tăng mạnh vào năm ngoái, liên quan tới việc Liên minh châu Âu đã vội vã mua càng nhiều nhiên liệu càng tốt - đẩy giá quốc tế lên cao đến mức một số quốc gia buộc phải chuyển từ khí đốt sang than đá để sản xuất năng lượng.

Tuy nhiên, càng nhiều LNG bị “om” để chờ các hợp đồng dài hạn thì càng có ít LNG trên thị trường giao ngay, điều này cho thấy giá khí đốt có thể tăng đột biến vào một thời điểm nào đó do các hợp đồng hết hạn sau 3 - 4 năm hiện đang được thay thế bằng các hợp đồng mới.

Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, Nga đã bán hơn 150 tỉ mét khối khí đốt cho phương Tây mỗi năm, thu về trung bình 20-30 tỉ USD trên mức lợi nhuận thông thường từ sản xuất khí đốt.

Tuy nhiên, kể từ khi xung đột giữa Mátxcơva và Kiev bắt đầu, xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu hầu như không còn gì, và Nga cần tìm một thị trường để bán trữ lượng khí khổng lồ sẵn sàng sản xuất ở khu vực Yamalo-Nenets.

Sự thay thế duy nhất cho thị trường châu Âu là Trung Quốc. Các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ bán đảo Yamal đến Trung Quốc đã được tiến hành trong hai thập kỷ và được tăng tốc trong thời gian gần đây.

Mặc dù vậy, ngay cả khi Power of Siberia 2 từ Nga tới Trung Quốc được thực hiện thành công cũng sẽ không thể bù đắp hoàn toàn cho sự mất mát của thị trường châu Âu. Năm 2019, Nga đã bán 165 tỉ m3 khí đốt qua đường ống cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, công suất tiềm năng của Power of Siberia 2 nhỏ hơn nhiều, chỉ 50 tỉ m3.

Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.

Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.

Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.

Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.

Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục