Giá gas hôm nay 29/5: Cập nhật mới về thị trường thế giới và trong nước

(Banker.vn) Giá gas hôm nay 29/5, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam), giá gas tăng nhẹ 0,62% lên mức 2,43 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 7/2023.
Giá gas hôm nay 25/5: Nhích nhẹ, đạt 2,39 USD/mmBTU Giá gas hôm nay 26/5: Điều gì xảy ở thị trường thế giới và trong nước? Giá gas hôm nay 27/5: Thị trường khí đốt tự nhiên vẫn cung vượt cầu

Trong những tháng qua, giá khí đốt bán buôn tại thị trường châu Âu nhìn chung đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm, xuống dưới mức 26 Euro (27,8 USD) cho mỗi megawatt giờ (MWh). Giới chuyên gia nhận định diễn biến này phản ánh thực tế cung vượt cầu, đồng thời dự báo giá khí đốt có thể tiếp tục giảm.

Giá gas hôm nay 29/5: Cập nhật mới về thị trường thế giới và trong nước
Trạm tiếp nhận khí đốt thuộc đường ống Nord Stream ở Mecklenburg, Đức

Vào thời điểm tháng 8/2022, giá khí đốt bán buôn tại thị trường châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục 350 Euro/MWh do nguồn cung từ Nga giảm. Để đối phó với tình trạng giá năng lượng cao phi mã, châu Âu đã tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và cắt giảm mức tiêu thụ. Ngoài ra, một mùa Đông không quá lạnh vừa qua cũng góp phần làm dịu bớt tình hình.

Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), mức dữ trự khí đốt tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện đạt trên 66% khả năng lưu trữ. Các bể chứa của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đồng thời là quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất của "lục địa già", hiện đạt tỷ lệ dự trữ lên tới 73%.

EU trước đây đã đáp ứng khoảng 2/5 nhu cầu khí đốt của mình thông qua nhập khẩu năng lượng từ Nga. Theo dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban châu Âu, nhập khẩu khí đốt của Nga trong tháng 3 thấp hơn 74% so với cùng kỳ.

Tờ Financial Times vừa đưa tin, nhu cầu về khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm nhiều hơn tổng lượng nhập khẩu của khối này từ Nga trong năm nay. Hiện tại phần lớn lượng khí đốt bị cắt giảm tới từ các nước công nghiệp phát triển nhất tại châu Âu.

Cụ thể, mức tiêu thụ khí đốt sẽ giảm 60 tỷ m3 vào năm 2023 so với mức trung bình trong 5 năm qua. So với con số mà các quốc gia EU đã cắt giảm vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 2022 cũng lớn hơn (52 tỷ m3).

Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson đã tuyên bố tại một cuộc họp mới đây rằng, mùa Đông 2022 dễ chịu hơn tại châu Âu là một trong những nguyên nhân giúp cho sản lượng tiêu thụ khí đốt của khối này giảm mạnh. Cũng trong khoảng thời gian đó, việc giá khí đốt tăng cao khiến cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng cũng đã thu hẹp sản xuất.

Tuy nhiên, nhu cầu khí đốt giảm đáng kể cũng không chỉ đơn giản là do "may mắn". Đó còn là kết quả của một loạt luật khẩn cấp được thông qua vào năm 2022 nhằm giảm sự phụ thuộc của khối vào nguồn cung từ Nga.

Năm 2022, các quốc gia thành viên đã đồng ý tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, và thỏa thuận đã được gia hạn thêm 12 tháng vào tháng 3 năm nay. Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu, có 14 trong số 27 quốc gia EU áp dụng các biện pháp bắt buộc để cắt giảm tiêu thụ năng lượng.

5 trong số 14 quốc gia gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được cho là chiếm 60% nhu cầu giảm. Trong khi đó, Bulgaria, Latvia và Romania là những quốc gia thành viên EU duy nhất chưa thực hiện bất kỳ quy định tiết kiệm năng lượng nào. Điều này một phần là do nhu cầu khí đốt vốn đã thấp ở các quốc gia này.

Tờ Straits Times mới đây cho biết, các tàu chở LNG có thể trở thành tài sản bị mắc kẹt, gây tổn thất lớn cho các công ty đóng tàu và chủ tàu. Đặc biệt, các công ty đóng tàu ở Hàn Quốc, nơi đóng nhiều tàu LNG, có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng dư thừa LNG dự kiến và nhu cầu khí đốt suy yếu.

Nhu cầu sử dụng LNG gần đây của châu Âu dự kiến chỉ là tạm thời bởi châu lục này đang đẩy mạnh đầu tư năng lượng xanh và chuyển sang điện khí hóa để hạn chế sử dụng khí đốt. Song châu Á vẫn là khách hàng hàng đầu của LNG và thị phần của khu vực trong nhu cầu LNG toàn cầu được dự báo sẽ đạt trên 60% vào năm 2023, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là những khách hàng hàng đầu. LNG được sử dụng chủ yếu để phát điện, sưởi ấm và sản xuất công nghiệp.

Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ quay đầu tăng nhẹ kể từ 1/5 sau 2 tháng liên tiếp giảm mạnh. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và 2 lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 này.

Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 5/2023 tại thị trường Hà Nội là 406.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.626.300 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt tăng 1.360 đồng/bình 12 kg và 5.340 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam Miền Nam tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg và 7.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg, áp dụng từ ngày 1/5.

Tương tự, Công ty Saigon Petro (gas SP) cũng tăng giá 2.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá bán lẻ tối đa là 401.000 đồng/bình.

Nguyên nhân giá gas trong nước tăng nhẹ là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương