Vận chuyển khí đốt qua Ukraine vẫn là con đường duy nhất để Nga cung cấp cho các quốc gia Tây và Trung Âu sau khi đường ống Nord Stream bị hư hại và không thể hoạt động vào tháng 9 năm ngoái.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Tuy nhiên, theo hãng tin RT (Nga), công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga hiện đã cắt giảm 23% khối lượng vận chuyển khí đốt hàng ngày tới EU qua Ukraine.
Cụ thể, Gazprom ngày 23/1 chỉ cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine với khối lượng 24,4 triệu mét khối mỗi ngày (mcm) thông qua trạm trung chuyển Sudzha. Đồng thời, yêu cầu bơm qua trạm bơm khí Sokhranovka đã bị phía Ukraine từ chối.
Ukraine đã đóng cửa trạm quá cảnh Sokhranovka, một tuyến vận chuyển khí đốt quan trọng xử lý khoảng 1/3 lượng khí đốt của Nga chảy qua nước này tới EU, vào đầu tháng 5/2022.
Nguồn cung của Gazprom cho EU - khách hàng lớn nhất - đã giảm vào năm ngoái do hậu quả của lệnh trừng phạt sâu rộng chống Nga. Cùng với đó, một số chuyên gia cho rằng, khối lượng thấp hơn là do nhiệt độ mùa đông ấm áp bất thường ở hầu hết châu Âu và dự trữ khí đốt cao của châu lục này.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nói rằng khối này đã hoàn toàn thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga. “Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã trải qua giai đoạn năng lượng tăng giá cực kỳ căng thẳng, song giá năng lượng hiện đã trở lại như thời kỳ trước khi bùng phát chiến sự Nga -Ukraine” - ông Borrell nói.
Thời tiết ấm áp bất thường trong suốt mùa Đông ở phần lớn Tây Bắc châu Âu đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm và cho phép lục địa này bổ sung lượng khí đốt dự trữ sau khi sử dụng gần hết kho dự trữ trong một số đợt lạnh giá trong vài tháng gần đây.
Trong một diễn biến khác, Algeria và Italy mới đây đã nhất trí xây dựng một đường ống mới vận chuyển khí đốt và điện của Algeria tới châu Âu. Dự án này sẽ đưa Italy trở thành nhà phân phối chính các nguồn năng lượng của Algeria tới châu Âu.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/1/2023, giá gas bán lẻ trong nước quay đầu giảm mạnh. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 14.000-23.000 đồng, loại 45 kg giảm hơn 50.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Người dùng sẽ tiết kiệm được 1.917 đồng đồng cho mỗi kg gas (tương đương 23.000 đồng một bình 12 kg) so với tháng trước. Giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua tại các điểm bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Giá gas trong nước giảm mạnh là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 1/2023 ở mức 597,5 USD/tấn, giảm 52,5 USD/tấn so với tháng 12 và biến động tỷ giá USD nên Tổng Công ty Gas thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 1/2023 tại thị trường Hà Nội là 418.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.673.800 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 22.400 đồng/bình 12 kg và 89.800 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, từ ngày 1/1/2023, giá gas của hãng này giảm 23.000 đồng bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 415.000 đồng/bình 12 kg.
Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng có mức giảm tương tự. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 447.500 đồng/bình 12 kg; 1.678.000 đồng/bình 45 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/1/2023 giá gas giảm 14.000 đồng/bình 12 kg và 52.515 đồng/bình 45 kg so với tháng 12. Như vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 428.912 đồng/bình 12 kg và 1.608.420 đồng/ bình 45 kg.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|