Giá gas hôm nay 24/4: Điều gì khiến thế giới và trong nước giảm sâu?

(Banker.vn) Giá gas hôm nay 24/4, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giảm 0,94% xuống mức 2,21 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2023.
Giá gas hôm nay 20/4: Giá khí đốt tiềm năng giảm nhỏ hơn nhiều so với tăng Giá gas hôm nay 21/4: Đỏ rực, lượng khí đốt dự trữ ở mức kỷ lục Giá gas hôm nay 22/4: Giảm nhẹ 0,22%, nhu cầu khí đốt tự nhiên thấp hơn bình thường

Kho chứa đầy ắp khiến giá khí đốt giảm sâu

Dự trữ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cao nhất trong tháng 4 kể từ năm 2011, với trữ lượng lưu trữ đạt 55,7% công suất, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm và đã tăng lên 56,5% trong vài tuần qua. Điều đó, giúp một số quốc gia thành viên thoát khỏi nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Giá gas hôm nay 24/4:
Trạm tiếp nhận khí đốt thuộc đường ống Nord Stream ở Mecklenburg, Đức

Nguyên nhân tồn kho khí đốt ở các nước đang tăng lên là nhờ thời tiết mùa đông ôn hòa và chính sách cắt giảm tiêu thụ của các nước. Trong vòng 8 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, 27 quốc gia EU đã thay thế khoảng 80% lượng khí đốt tự nhiên mà họ từng nhập từ Nga, bằng cách tích cực nhập khẩu khí đốt qua các hải cảng của Bỉ, Hà Lan, Pháp và Na Uy, đồng thời, nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Điển hình như Chính phủ liên bang Đức trong tháng 12/2022 đã khai trương cơ sở tiếp nhận khí LNG đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven. Mới đây, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này tiết lộ đang có kế hoạch mở một trạm khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) kết nối với cơ sở hạ tầng của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn các nguồn tin cho biết kế hoạch trên đã được thảo luận kín giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và các quan chức khác. Tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Habeck cho biết, một đường ống kết nối trạm LNG với đất liền sẽ được hoà vào cơ sở hạ tầng đường ống hiện có ở thành phố Lubmin "từ mùa Xuân năm 2024".

Chính phủ Đức cho biết đang có kế hoạch nhập khẩu hơn 30 tỷ m3 khí đốt vào cuối năm 2024, tương đương hơn 50% lượng khí đốt chảy qua các đường ống từ Nga đến Đức vào năm ngoái.

Các kho cảng LNG là một phần trong nỗ lực lớn nhằm đảm bảo nguồn cung của Đức trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Các biện pháp bao gồm việc tạm thời quay trở lại các nhà máy nhiệt điện than do các cơ sở lưu trữ khí đốt đã được lấp đầy hết công suất trước mùa Đông.

Nếu cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt liên tục lập đỉnh do các nước châu Âu chạy đua tìm kiếm và tích trữ khí đốt nhằm thay thế nguồn cung từ Nga thì tới năm nay, các kho chứa ở nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha, đang đầy ắp khiến giá khí đốt giảm sâu.

Theo nhà nhà phân tích năng lượng Talon Custer của Bloomberg Intelligence, tình trạng dư thừa khí đốt trong ngắn hạn sẽ gây áp lực lên giá LNG trong vài tuần tới và có thể kéo các chỉ số giá khí đốt đi xuống thậm chí có thể “chạm đáy”.

Tuy nhiên, ông Custer cũng cho rằng tình trạng dư thừa hiện tại có thể không duy trì lâu bởi giá khí đốt rẻ sẽ kéo nhu cầu lên cao.

Trong một diễn biến khác, ông Viktor Zubkov, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom cho hay, tập đoàn này đứng đầu thế giới về trữ lượng khí đốt, đủ dùng cho hơn một thế kỷ.

"Vào cuối năm ngoái, trữ lượng khí đốt đã được chứng minh của tập đoàn Gazprom đạt tổng cộng 35.000 tỷ m3. Chúng tôi hiện có trữ lượng khí đốt đủ dùng trong 100 năm tới"- ông Zubkov nêu.

Trước đó, Gazprom cho hay hoạt động thăm dò địa chất đã bổ sung thêm 529,2 tỷ m3 vào trữ lượng khí đốt của họ trong năm 2022.

Nga là quốc gia sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, chiếm 17,4% sản lượng toàn cầu, chỉ sau Mỹ với 23,1%. Tuy nhiên, Nga lại có trữ lượng khí đốt nhiều hơn Mỹ (12.600 tỷ m3 trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh tính đến năm 2020).

Theo dữ liệu của công ty, việc vận chuyển khí đốt qua đường ống tới EU - từng là khách hàng lớn nhất của Gazprom - đã giảm mạnh, với xuất khẩu đường dài giảm khoảng 45%. Kể từ đó, Nga đã chuyển hướng cung cấp cho các khách hàng khác, chủ yếu là Trung Quốc.

Giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh

Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước từ 1/4 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, so với tháng 3, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm từ 58.000-62.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 220.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/4, giá gas của công ty này sẽ giảm 62.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức giảm 5.167 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 399.000 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro giảm 4.833 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng giảm 58.000 đồng/bình.

Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam cũng cho biết, kể từ ngày 1/4, giá gas của công ty giảm 4.833 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương giảm 58.000 đồng/bình 12 kg và giảm 217.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Như vậy, giá bán lẻ gas của thương hiệu này đến người tiêu dùng là 417.912 đồng/bình 12 kg và 1.567.670 đồng/bình 45 kg.

Nguyên nhân giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh là do giá gas thế giới tháng 4 chốt ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.

Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm và 1 lần tăng vào đầu tháng 2. Trước đó, trong tháng 3/2023, giá cũng đã giảm 16.000 đồng/bình 12 kg.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương